Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, trao đổi như vậy tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, ngày 4-4.
Về tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, ông Bình cho biết có các sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, quyền của người lao động (NLĐ) được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện theo hai cách, thứ nhất công đoàn cơ sở thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam điều chỉnh bởi Luật Công đoàn; cách thứ hai, nghiệp đoàn đăng ký với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động.
Ông Bình cho rằng hai tổ chức này giống nhau về đại diện trong quan hệ lao động thông qua thương lượng, đối thoại; ngược lại khác nhau về thủ tục thành lập, vị thế, chức năng chính trị-xã hội đã được hiến định.
Thời gian tới ngoài tổ chức công đoàn, người lao động có quyền lựa chọn tổ chức đại diện cho mình trong các vụ tranh chấp lao động. Ảnh: P.ĐIỀN
Về điều kiện và trình tự thành lập và đăng ký hoạt động của nghiệp đoàn, dự thảo đưa ra tối thiểu 20 đoàn viên mới được thành lập nghiệp đoàn. Theo khảo sát, cả nước có khoảng 16% số doanh nghiệp có dưới 20 lao động.
Theo đó, tổ chức này phải hoạt động đúng nguyên tắc, dân chủ, bảo đảm quyền lợi của người lao động và nguồn tài chính lành mạnh.
Về tên gọi của tổ chức này, nhiều ý kiến cho rằng nghiệp đoàn là chưa hợp lý vì có thể trùng lẫn với các nghiệp đoàn khác như nghiệp đoàn nghề cá, nghiệp đoàn xe ôm…
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Pháp luật LĐLĐ TP.HCM, cho rằng người đứng đầu tổ chức ngày cần có lý lịch rõ rằng, có thời gian làm việc tại doanh nghiệp ít nhất hai năm chứ không thể là người từ bên ngoài vào đại diện cho NLĐ.
Theo ông Triều, việc lựa chọn tổ chức đại diện là quyền của người lao động, tuy nhiên trong trường hợp xảy ra tranh chấp lao động, thì tổ chức nào đứng ra đại diện hay cùng đại diện. Nếu cùng lúc cả hai nhảy vào mà không có sự thống nhất trong phương pháp, ý kiến thương lượng liệu có ngáng chân nhau?ông Cường đặt câu hỏi.