Tôi đã nghỉ hết phép năm của năm 2024 nhưng vì có việc riêng nên tôi muốn xin nghỉ thêm 5 ngày. Công ty tôi không đồng ý, dù vậy tôi vẫn buộc phải nghỉ. Cuối cùng tôi bị sa thải. Trong khi đó một người đồng nghiệp cũ của tôi nghỉ 5 ngày thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Tôi muốn hỏi vì sao lại có sự khác nhau như thế?
Trả lời, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động (BLLĐ) quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.
Cạnh đó, Điều 125 BLLĐ quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, nếu người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên thì người sử dụng lao động có thể áp dụng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Còn nếu người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc trở lên nhưng không liên tục nếu có đủ 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày thì người sử dụng lao động được áp dụng quyền xử lý kỷ luật sa thải.
Khi áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải cần tuân theo trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động).
Cũng theo luật sư Quỳnh, về bản chất, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là hành vi pháp lý đơn phương trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động để chấm dứt quan hệ pháp luật lao động.
Còn xử lý kỷ luật sa thải là một hình thức kỷ luật lao động và hệ quả của nó mang tính chất nặng nề hơn vì hồ sơ "lý lịch lao động" của người lao động thể hiện người lao động đã không có sự tuân thủ trong nội quy lao động của doanh nghiệp dẫn đến việc bị xử lý kỷ luật. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình xin việc mới của người lao động. Do đó, về mặt quy trình thủ tục để kỷ luật sa thải bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các bước theo đúng quy định pháp luật.