Từ căm thù
Người phụ nữ trẻ được tòa mời lên ngồi ở hàng ghế dành cho người bị hại. Chị tên PTH (32 tuổi, là mẹ người bị hại trong vụ án). Nghe tòa nhắc đến tên mình, chị lóng nga lóng ngóng, chân tay không ngừng run. Hằng ngày chị chỉ tiếp xúc với bạt ngàn rừng cao su, chưa bao giờ được đứng ở một nơi trang nghiêm để nói lên ý kiến của mình.
Do bị cáo thừa nhận hết hành vi phạm tội nên tòa chỉ tập trung hỏi người đại diện của người bị hại rằng tại sao lại xin giảm án cho bị cáo. Chị chẳng hiểu câu hỏi của tòa. Phải đến khi luật sư nhắc lại, chị mới luống cuống trả lời: “Xin tòa giảm án cho em nó (bị cáo Đoàn Ngọc Cường, sinh năm 1993). Tôi không có giận nữa”. Tòa: “Có phải vì tiền chị mới xin giảm án?”. Chị vội vàng xua tay: “Không đâu. Gia đình em nó nghèo lắm. Hôm trước cô ấy (mẹ bị cáo, bà LTC, 56 tuổi) chạy vay khắp nơi mới được 15 triệu đồng mang sang, nói bồi thường nhưng vợ chồng tôi không nhận. Xin giảm án là do vợ chồng tôi tự nguyện”.
Giờ nghị án, mẹ bị cáo khóc, chị đến nắm tay động viên: “Cháu run quá, không nói được nhiều để tòa hiểu hoàn cảnh của cô hơn. Cô đừng khóc để thằng Cường khỏi buồn”.
Vợ chồng chị kiếm sống bằng nghề cạo mủ cao su thuê. Chỗ làm việc cách xa nhà, lại hay phải đi làm đêm. Có khi cả tuần mới về nhà thăm con một lần. Thấy Cường hiền lành, là hàng xóm quen biết nên vợ chồng chị nhờ trông con giúp. Cường cũng hay đưa đón con gái chị đi học, cho bé ăn cơm, cho đi ngủ. Vì thế vợ chồng chị rất tin tưởng và yên tâm đi làm. Nào ngờ chính niềm tin ấy đã tiếp sức cho tội lỗi của Cường. “Biết chuyện, tôi hối hận và thương con gái nhiều lắm. Thương con bao nhiêu thì giận thằng Cường bấy nhiêu. Tại sao nó có thể làm cái chuyện xấu xa đó với con bé khi nó chỉ mới hơn sáu tuổi?” - chị nói trong cơn tức giận, căm thù. Mẹ con Cường quỳ xuống xin tha thứ, chị cũng dửng dưng.
… Thành thương cảm
Cho đến khi nhìn thấy đôi bàn tay sưng vù, đỏ tấy và rỉ mủ của bà LTC nhưng hằng ngày vẫn phải đi rửa bát thuê kiếm tiền nuôi con, chị mới nguôi giận. Gia đình Cường quá nghèo. Cha Cường mất sớm, một mình bà C. phải nuôi ba đứa con bằng nghề rửa bát thuê kiếm mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Ba anh em Cường sinh ra đã chẳng được bình thường. Đứa suốt ngày ngẩng mặt lên trời mà đi, thấy gì cũng cười. Đứa cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Cường từ nhỏ đã bị bệnh chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ. Chị không kìm được cảm xúc của mình. Bao nhiêu tức giận, căm thù bay đi đâu mất. Lòng nhân từ của người mẹ trong chị trỗi dậy. Nước mắt chị rơi vì thương bà C. khổ cực, tần tảo nuôi con giờ lại chịu thêm nỗi đau về chuyện thằng Cường đi tù vì việc làm nhơ nhuốc của nó.
“Vợ chồng tôi nghèo, phải đi làm thuê chạy ăn từng bữa nhưng có sức khỏe, cả hai có thể cùng lo cho con. Nhà cô C. cái nghèo cứ bám riết làm kiệt quệ dần. Bây giờ cô ấy còn có thể đi làm nuôi con, không biết đến khi cô ấy bị bệnh nằm đó thì cả nhà lấy gì mà sống. Nhà có thằng Cường có sức khỏe và tỉnh táo hơn một chút đã đi tù. Tôi không muốn lòng căm thù của mình sẽ đẩy cô ấy đi vào ngõ cụt và khắc sâu thêm trong tâm thức trẻ thơ của con gái vì câu chuyện không hay…”.
Cái xóm nhà người bị hại và bị cáo ở chỉ độ bảy, tám căn nhà, nằm lọt thỏm trong rừng cao su như tách biệt với thế giới bên ngoài. Con đường đi vào hoang vắng, lầy lội, nước ngập đến nửa bánh xe. Nhà chị H. cửa đóng im ỉm. Từ lúc đi tòa về, vợ chồng chị gửi con cho người bà con trông hộ để đi làm xa, cuối tuần mới về thăm. Bên cạnh là nhà bà C., căn nhà xập xệ, trong nhà chẳng có gì giá trị ngoài mấy cái nồi, chén. Đứa nhỏ trong nhà thấy có khách thì ngẩng mặt lên và cười khanh khách. Hỏi thăm gì, nó cũng chỉ lặp đi lặp lại như cái máy: “Ăn cơm rồi. Uống nước rồi. Mẹ đi làm, khuya mới về”.
Ở một quán ăn gần đó, bà C. với dáng người gầy gò, lọm khọm đang cặm cụi rửa mấy chậu bát đĩa cho xong rồi đi lau bàn ghế. Những vết dầu mỡ cộng bọt xà phòng cùng với việc ngâm nước quá lâu mà không mang găng tay làm đôi bàn tay bà đỏ ửng và sưng lên. Vừa nhìn thấy tôi, bà nhớ lại câu chuyện diễn ra hôm ở tòa, bà khóc: “Nhà cô H. tốt lắm, chẳng lấy tiền bồi thường mà còn xin giảm án cho thằng Cường và hay sang động viên tôi cố gắng lên. Có hôm nhà chẳng còn gạo và đồ ăn, cô ấy cũng mang qua cho. Giờ tôi chỉ mong thằng Cường gắng cải tạo cho tốt để không phụ lòng tốt của cô ấy”. Đôi bàn tay bà lại thoăn thoắt rửa cho xong bát đĩa.
Chạy xe trên đường về, tôi nghĩ đến bao nhiêu từ giá như… Giá như cả hai gia đình người bị hại, bị cáo đừng nghèo. Giá như chị H. đừng tin tưởng mà giao con gái cho Cường…
Trả giá bằng tám năm tù Một đêm tháng 12-2013, sau khi tàn cuộc nhậu, vợ chồng chị H. phải đi làm đêm nên có nhờ Cường trông con gái hơn sáu tuổi giúp. Cường đồng ý. Sau đó Cường đã giao cấu với bé gái. Lần thứ hai, Cường cũng sang nhậu với chồng chị H. nhưng uống được vài ly thì ngỏ ý muốn chở bé gái đi chơi và được đồng ý. Cường đưa bé gái ra vườn cao su để quan hệ thì một chiếc xe ô tô chạy qua nên sự việc bị bại lộ. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt Cường tám năm tù về tội hiếp dâm trẻ em, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, gia đình khó khăn, bị cáo bị chậm phát triển trí tuệ, gia đình người bị hại xin giảm án. Không đồng ý mức án của tòa, VKSND tỉnh Bình Dương đã kháng nghị theo hướng tăng án từ 12 đến 14 năm tù đối với Cường. Ngược lại, phía gia đình chị H. kháng cáo xin giảm án cho bị cáo. Xét thấy mức án của tòa sơ thẩm tuyên là đúng pháp luật, TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, y án sơ thẩm. Với mức án này, HĐXX đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ và nằm dưới khung của tội hiếp dâm trẻ em (tội này có khung hình phạt từ 12 năm tù đến chung thân hoặc tử hình). Phiên tòa kết thúc, chị chạy đến bên Cường dặn hãy cải tạo tốt mà về với mẹ. Chị nói vội: “Cả xóm ai cũng mong em. Mẹ em ngóng chờ từng ngày…”. Mẹ bị cáo nước mắt lưng tròng chạy theo con. _______________________________________ Câu chuyện rất đau lòng nhưng cũng rất nhân văn. Việc làm của chị H. đã chạm đến trái tim tôi. Tuy nhiên, tôi cũng mong qua câu chuyện các bậc cha mẹ hãy biết quan tâm, bảo vệ và giáo dục con, hãy lường trước những nguy cơ có thể xảy đến với con em mình, nhất là trẻ em gái. Một thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM |