Ngày 14-10, tại Đà Nẵng, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo về thực trạng và bảo đảm thực hiện quyền bào chữa, quyền có người đại diện pháp lý, bảo vệ quyền cá nhân trong quá trình tố tụng. Nhiều ý kiến đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc thực thi các quyền của luật sư trong quá trình này…
Phải trợ giúp pháp lý cho người mù chữ
Theo quy định hiện nay chỉ người vị thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi, người bị truy tố ở khung hình phạt cao tử hình mới buộc phải có luật sư. Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh (Chánh Tòa Hình sự TAND TP Đà Nẵng) cho rằng quy định như vậy là chưa đảm bảo hết quyền lợi chính đáng cho các đối tượng yếu thế.
Cụ thể, theo bà Cảnh, với người mù chữ, hầu như các bản cung đều không viết được tên mình mà chỉ điểm chỉ. Bản thân họ không biết đọc, không biết viết nên không thể biết được cơ quan điều tra viết gì vào trong bản cung để họ điểm chỉ, xác nhận lời khai đó là đúng hay sai. Họ cũng không có hiểu biết pháp luật để thực hiện quyền tự bào chữa cho mình. Từ đó bà Cảnh cho rằng luật cần quy định người mù chữ phải được trợ giúp pháp lý, phải có luật sư bào chữa chỉ định. Có như vậy mới đảm bảo hạn chế được vấn đề oan sai.
Bà Cảnh cũng cho rằng luật nên sửa theo hướng mở rộng đối tượng bị khởi tố, điều tra, xét xử ở án từ 12 năm đến chung thân phải có luật sư chỉ định chứ không phải chỉ có án tử hình như hiện nay. Theo bà Cảnh, “án dân sự bị hủy án vì sai thì còn có thể sửa được chứ án hình sự thì rất khó sửa vì nó liên quan đến cả một hệ thống tố tụng và thân phận con người. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo thì luật không nên bó hẹp như cũ mà cần phải mở rộng”.
Luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa lưu động. Ảnh: DH
Đi ngàn cây số để gặp một tiếng là không được
Hiện nay, trong giai đoạn điều tra, luật sư chỉ được gặp người bị tạm giam, tạm giữ khi có sự tham gia của điều tra viên và chỉ được gặp không quá một tiếng. Kiểm sát viên Ngô Phú Quảng (VKSND TP Đà Nẵng) nhìn nhận như vậy bất bình đẳng giữa điều tra viên với luật sư. Trong khi đó, để đi đến được trại tạm giam, tạm giữ thì không phải dễ dàng. Có khi luật sư phải đi từ tỉnh này qua tỉnh khác, có khi đi cả ngàn cây số mà cho họ gặp một giờ thì chưa thể làm được gì.
Từ đó, kiểm sát viên Ngô Phú Quảng cho rằng “quy định là do mình đưa ra, nếu thấy không thực tế thì nên sửa. Chưa nói đến việc trong quá trình điều tra, luật sư muốn gặp bị can phải có điều tra viên giám sát. Có những lý do bị can chỉ muốn nói với luật sư nên không thể nói khi có mặt điều tra viên...”.
Cũng theo ông Quảng, việc có luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ông Quảng cũng nhắc lại lời của một bị cáo (nguyên là một kiểm sát viên) khi ra tòa đã thốt lên: “Mấy chục năm làm kiểm sát viên, tôi không thấy được tầm quan trọng của luật sư nhưng nay là một bị can, bị cáo tôi mới thấy vai trò của luật sư là quan trọng thế nào”. Kiểm sát viên Quảng khẳng định luật sư tham gia trong các vụ án hình sự càng nhiều, càng sớm sẽ càng tốt.
Người thân bị can phải được nhờ người bào chữa
Về vấn đề thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, các kiểm sát viên tham dự hội thảo cũng nhìn nhận thủ tục này đang làm khó luật sư. Theo các kiểm sát viên, luật cần phải thay đổi theo hướng thân nhân, gia đình người thân thích, thậm chí là những tổ chức đoàn thể, công đoàn cũng có thể được liên hệ nhờ người bào chữa cho người bị tạm giam, tạm giữ.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Xuân Hạt (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) phân tích thêm quy định nhờ người bào chữa hiện nay không chỉ gây khó cho luật sư mà còn làm khó cả người muốn nhờ luật sư. Cụ thể, người đang bị tạm giam, tạm giữ đã bị hạn chế tiếp xúc với bên ngoài nên không thể tự tìm hiểu và tự nhờ luật sư. Do vậy, các quy định cần phải theo hướng để người thân của họ được phép tự nhờ luật sư, không cần phải có ý kiến của cá nhân người bị tạm giữ, tạm giam nữa.
Trong vấn đề này, Thẩm phán Nguyễn Thị Cảnh (Chánh Tòa Hình sự TAND TP Đà Nẵng) nói thêm trong Luật Tố tụng dân sự, thẩm phán có quyền cấp giấy chứng nhận bào chữa, còn đối với hình sự thì phải là chánh án hoặc phó chánh án. Nên sửa đổi trong án hình sự, thẩm phán cũng có quyền cấp chứng nhận bào chữa để tránh thủ tục phiền hà.
Cấp giấy bào chữa qua bưu điện Thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa nên thực hiện nhanh chóng. Luật sư tham gia vụ án sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo và giúp các cơ quan tố tụng cẩn trọng hơn khi giải quyết vụ án, tránh oan sai. Ở tòa Đà Nẵng có trường hợp luật sư ở Hà Nội không thể vào để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa. Người này đã gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Tòa thấy giấy tờ đầy đủ nên chấp nhận để giải quyết. Thẩm phán NGUYỄN THỊ CẢNH, Dùng chứng cứ buộc tội để gỡ tội là không đúng Luật quy định luật sư cũng có quyền thu thập chứng cứ của vụ án nhưng chứng cứ đó được chấp thuận hay không lại là vấn đề khác. Trong thực tế hiện nay, luật sư đang phải dùng chứng cứ của phía buộc tội thu thập để làm công việc gỡ tội. Như vậy là không thể đảm bảo, không thể đạt được hiệu quả. Ở các nước tiến bộ, luật sư phải đi tìm từng vết máu, tìm từng nhân chứng, từng vết tích để bác lại chứng cứ của bên gỡ tội, tìm ra sự thật của vụ án. Vì vậy theo tôi, cần phải tạo điều kiện để luật sư tiếp cận vụ án, tìm chứng cứ mới. Luật sư LÊ CAO, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng |