LTS: Trên các số báo trước, chúng tôi đã đăng tải nhiều ý kiến góp ý xung quanh thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư. Trong đó các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và hầu hết luật sư đều cho rằng cần bỏ hẳn thủ tục này; ngược lại, các cơ quan tố tụng trung ương thì đề nghị nên giữ. Chúng tôi xin tạm khép lại diễn đàn này bằng bài viết dưới đây, cũng là quan điểm chính thức của Pháp Luật TP.HCM.
Trong văn bản của Bộ Công an gửi VKSND Tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án BLTTHS sửa đổi) ngày 16-3-2015, bộ này đề nghị cần tiếp tục giữ quy định cấp giấy chứng nhận (GCN) bào chữa cho luật sư (LS).
Giống chuyện nhà đòi hộ khẩu, hộ khẩu đòi nhà
Theo Bộ Công an, đây là “thủ tục cần thiết, tối thiểu, không có gì phiền hà”. Bộ Công an cho rằng theo quy định của pháp luật hiện hành, ngay cả đối với điều tra viên, kiểm sát viên được phân công điều tra, kiểm sát điều tra vụ án khi đến trại tạm giam, nhà tạm giữ cũng phải xuất trình quyết định phân công điều tra, kiểm sát điều tra thì mới được trích xuất bị can để làm việc.
Ý kiến nói trên thoạt nghe có vẻ đúng vì dù sao cũng phải có cái giấy gì đó ghi nhận sự tham gia của LS như là “một bên” trong thành phần tham gia tố tụng của vụ án. Song để được cấp cái GCN đó, nhiều LS “phải trần ai khoai củ” qua nhiều thủ tục nhiêu khê, phiền hà.
Nên bỏ hẳn thủ tục cấp GCN bào chữa cho LS để tạo điều kiện cho LS tham gia tố tụng ngay từ lúc nghi can bị bắt. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh: HTD
GCN bào chữa được TAND quận 1 cấp cho LS sau sự kiện “LS lên Facebook nói xấu tòa?”. Ảnh: NGÂN NGA
Theo quy định, để được cấp GCN, LS phải có trong tay giấy mời (nhờ) LS của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, hoặc phải có giấy mời LS của người thân bị can, bị cáo, người tạm giữ kèm ý kiến (và chữ ký) đồng ý của họ (hoặc kèm giấy ủy quyền cho người thân của họ). Mà muốn có được ý kiến đồng ý hoặc giấy ủy quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ thì người thân của họ hoặc LS phải gặp họ. Mà họ thì lại đang ở trong trại tạm giam, nhà tạm giữ. Vậy thì phải làm sao? Người thân của bị can, bị cáo không phải muốn xin vào trại tạm giam lúc nào cũng được, chưa nói nếu vụ án chưa khởi tố thì trên thực tế chuyện này hầu như không thể.
Như vậy là LS muốn được cấp GCN thì phải có ý kiến của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, mà muốn gặp được bị can, bị cáo, người bị tạm giữ thì phải… có một cái giấy cho phép của cơ quan tố tụng nào đó. Điều này chẳng khác nào câu chuyện nhà đòi hộ khẩu, hộ khẩu đòi nhà trước đây.
Cũng có ý kiến nói rằng LS muốn vào gặp bị can, bị cáo thì chỉ cần giấy giới thiệu của cơ quan tố tụng (tương ứng với từng giai đoạn tố tụng là CQĐT, VKS hoặc tòa án). Nhưng xin thưa, việc này không hề dễ bởi khi đã có giấy giới thiệu rồi thì chưa hẳn đã được trại tạm giam cho vào gặp bị can, bị cáo (như trường hợp trong bài “LS viết Facebook nói xấu tòa?” và vụ Văn phòng LS Hoa Sen bị Trại tạm giam Chí Hòa từ chối mà chúng tôi đã phản ánh trên các số báo trước).
Nên thay bằng thủ tục đăng ký đơn giản
Có lẽ ai cũng thấy điều hợp lý này: LS muốn tham gia bào chữa thì phải có sự ghi nhận của cơ quan tố tụng. Nhưng sự ghi nhận này không cần thiết phải bằng GCN bào chữa như quy định hiện hành. Thay vào đó, để được cơ quan tố tụng ghi nhận sự tham gia, LS chỉ cần trình đủ ba loại giấy là: 1/ thẻ LS, 2/ giấy yêu cầu của bị can/bị cáo, gia đình hoặc người đại diện theo pháp luật của họ và 3/ giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề LS.
Khi LS đã nộp đủ ba loại giấy này thì cơ quan tố tụng (CQĐT, VKS hay tòa án, tùy vào giai đoạn tố tụng) phải cho LS gặp bị can, bị cáo, người bị tạm giữ (hình sự) ngay lập tức. Tại cuộc gặp này, người được bào chữa xác nhận việc đồng ý cho LS bào chữa cho mình và ký vào giấy đăng ký bào chữa (theo mẫu in sẵn). Sau đó, cơ quan tố tụng ký xác nhận và đóng dấu vào giấy đăng ký bào chữa. Giấy này được sử dụng trong suốt các giai đoạn tố tụng, trừ khi có sự thỏa thuận hay yêu cầu thay đổi khác của người được bào chữa. Nếu người được bào chữa từ chối thì LS thôi tham gia, chẳng có vấn đề gì.
Với những thủ tục trên đây, chúng tôi tin rằng cơ quan tiến hành tố tụng chẳng bị ảnh hưởng, khó khăn gì trong quá trình tố tụng, còn LS thì được dễ dàng tham gia bào chữa.
Khâu đột phá để thực hiện “quyền im lặng”
Trong dự án BLTTHS sửa đổi có nhiều điều khoản quy định về “quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tạm giữ và bị can, cụ thể là quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (điểm d khoản 1 Điều 40 về người bị bắt; điểm c khoản 2 Điều 41 về người bị tạm giữ và điểm c khoản 2 Điều 42 về bị can). Đây là những quy định mới và cực kỳ tiến bộ. Nếu những điều khoản này được thông qua, đây quả là bước đột phá nhằm cụ thể hóa quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013.
Nhưng để thực hiện quyền này, một trong những biện pháp hữu hiệu là phải có LS tham gia ngay từ giai đoạn điều tra. Nói cách khác, LS phải chứng kiến việc hỏi cung, lấy lời khai của nghi can ngay từ những bản cung đầu tiên. Mà muốn LS có mặt gần như ngay lập tức sau khi nghi can bị bắt thì thủ tục đăng ký bào chữa phải thật sự nhanh, gọn, thuận tiện. Để được như vậy thì chỉ có cách thực hiện các bước đăng ký bào chữa như đã đề xuất nói trên. Chứ nếu cứ làm theo quy định hiện hành thì… còn lâu LS mới có mặt để chứng kiến việc lấy lời khai của nghi can ngay từ đầu.
Thiết nghĩ một thủ tục tuy có vẻ cần thiết (ở mức độ nào đó cho cơ quan tố tụng) nhưng lại gây phiền hà cho người dân, cản trở quyền được bào chữa của bị can, bị cáo, đi ngược lại xu hướng tố tụng tiến bộ thì cần mạnh dạn loại bỏ. Hy vọng trong lần thông qua dự án BLTTHS sửa đổi sắp tới, Quốc hội sẽ bỏ hẳn quy định về thủ tục cấp GCN bào chữa cho LS và thay bằng quy định về đăng ký bào chữa với thủ tục đơn giản, dễ thực hiện. Có như vậy mới tạo điều kiện cho LS tham gia tố tụng ngay từ đầu, thực hiện tốt “quyền im lặng” của bị can, bị cáo - cũng là quyền con người được Hiến pháp 2013 quy định.