Trên số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu các ý kiến xung quanh quy định cấp giấy chứng nhận (GCN) bào chữa cho luật sư (LS) khi tham gia tố tụng các vụ án hình sự. Đa số ý kiến của LS và thẩm phán đều cho rằng đây là thủ tục rườm rà, dễ dẫn đến tình trạng LS bị gây khó, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.
Quan điểm của các cơ quan tố tụng trung ương về vấn đề này ra sao?
Các cơ quan tố tụng trung ương: Nên giữ
Trong văn bản chính thức gửi VKSND Tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án BLTTHS sửa đổi) ngày 16-3-2015, Bộ Công an đề nghị cần tiếp tục giữ quy định cấp GCN bào chữa. Theo Bộ Công an, vì đây là “thủ tục cần thiết, tối thiểu, không có gì phiền hà”. Bộ Công an cho rằng theo quy định của pháp luật hiện hành, ngay cả đối với điều tra viên, kiểm sát viên được phân công điều tra, kiểm sát điều tra vụ án khi đến trại tạm giam, nhà tạm giữ cũng phải xuất trình quyết định phân công điều tra, kiểm sát điều tra thì trại tạm giam, nhà tạm giữ mới trích xuất bị can để giao cho điều tra viên, kiểm sát viên làm việc.
Tương tự, trong văn bản gửi VKSND Tối cao ngày 11-3-2015, Bộ Quốc phòng nêu quan điểm cho rằng trong “tình hình hiện nay cần phải duy trì việc cấp GCN cho người bào chữa”. Bộ Quốc phòng cũng cho rằng dự thảo đã quy định chặt chẽ để hoạt động này được thực hiện thuận lợi.
Về phía TAND Tối cao, ngày 27-2-2015, cơ quan này có văn bản gửi VKSND Tối cao (do Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn ký) khẳng định tòa này nhất trí về việc cần tiếp tục giữ quy định về cấp GCN bào chữa. Tuy nhiên, trước đó, tại Văn bản số 38/BC-TA ngày 8-8-2014 gửi Ủy ban Tư pháp (do Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình ký) thì quan điểm lại hoàn toàn khác. Theo đó, TAND Tối cao chính thức đề nghị bỏ quy định về cấp GCN bào chữa, chuyển sang chế độ đăng ký như đề nghị của Liên đoàn LS Việt Nam…
Văn bản này được Liên đoàn LS Việt Nam viện dẫn làm cơ sở cho việc kiên trì kiến nghị hủy bỏ thủ tục cấp GCN bào chữa.
Nên bỏ hẳn thủ tục cấp GCN bào chữa cho LS để tạo điều kiện cho LS tham gia tranh tụng, bào chữa cho bị cáo. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Ảnh: HTD
Chính phủ: Đề nghị bỏ
Ngày 13-3-2015, Chính phủ có văn bản gửi VKSND Tối cao tham gia ý kiến đối với dự án BLTTHS (sửa đổi). Văn bản này thể hiện quan điểm của Chính phủ cho rằng theo dự thảo BLTTHS, ngay sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt, CQĐT đã phải lấy lời khai, trong khi việc cấp GCN bào chữa phải qua các thủ tục đòi hỏi một khoảng thời gian từ 24 giờ (đối với trường hợp tạm giữ người) đến ba ngày. Thực tiễn tố tụng cho thấy các hoạt động điều tra sau khi bắt người bị tình nghi thường thực hiện ngay tại trụ sở công an, trong đó chỉ có người bị bắt hoặc người bị tạm giữ và điều tra viên mà không có sự tham gia của người bào chữa và kiểm sát viên. Do vậy, thực tế đã xảy ra tình trạng một số trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ở giai đoạn này và ở ngay nơi tạm giữ mà không có nhân chứng nào khác ngoài chính CQĐT.
“Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền bào chữa của người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp cũng như để khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị bỏ quy định cấp GCN bào chữa, thay vào đó là thủ tục đăng ký bào chữa khi có đủ các giấy tờ (…) về cấp GCN bào chữa” - văn bản của Chính phủ nêu rõ.
Theo Chính phủ, việc bỏ quy định này sẽ tạo điều kiện để người bào chữa có khả năng hỗ trợ kịp thời người bị bắt, người bị tạm giữ thực hiện quyền bào chữa. Việc bỏ GCN người bào chữa còn góp phần bảo đảm thực hiện các quy định của Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên.
Trước đó, Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản nêu: Liên quan đến lập luận để giữ lại thủ tục cấp GCN bào chữa, cơ quan chủ trì soạn thảo có viện dẫn Báo cáo số 250/BC-UBTVQH ngày 20-10-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ duy trì quy định về việc cấp GCN bào chữa là chưa thuyết phục. Theo Bộ Tư pháp, nội dung và tinh thần của báo cáo này được xây dựng trước khi Hiến pháp 2013 ra đời nên chưa cập nhật đầy đủ tinh thần và lời văn của Hiến pháp 2013 trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nguyên tắc tranh tụng và bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo. Mặt khác việc viện dẫn này có thể dẫn đến sự hiểu nhầm rằng vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nên Bộ Tư pháp đề nghị không viện dẫn nội dung của báo cáo này trong dự thảo tờ trình để tránh gây nhầm lẫn.
Bỏ là hợp lý Có lẽ một trong những vấn đề vướng mắc và nổi cộm nhất trong thời gian qua đối với hoạt động hành nghề LS là việc cấp GCN bào chữa. Ngay cả khi các cơ quan tố tụng ở trung ương có hướng dẫn thì ở địa phương, bằng cách này hay cách khác LS vẫn bị làm khó. Hầu hết LS đều có tâm tư rằng muốn hành nghề thuận lợi thì phải quan hệ tốt trong nháy nháy với cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng, nếu không thì kiểu gì cũng sẽ bị gây khó. Vì vậy khi sửa đổi BLTTHS, theo tôi, cần ghi nhận hai việc: Bỏ GCN bào chữa và cho phép gia đình bị can, bị cáo bị tạm giam được mời LS cho con em mình mà không cần phải hỏi ý kiến của bị cáo. Nếu ra tòa bị cáo từ chối thì HĐXX sẽ tôn trọng ý kiến của bị cáo. Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự Bỏ là hợp hiến! Có một việc rất rõ ràng khi nói ra ai cũng thấy đúng và cần làm ngay, đó là phải khắc phục triệt để tình trạng oan, sai trong hoạt động tố tụng tư pháp. Và một chuyện nữa khi nói ra ai cũng đồng tình, thậm chí nhiều người còn rất tâm đắc là phải đề cao việc tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần của Hiến pháp và pháp luật. Nhưng trên thực tế, một chủ thể quan trọng để tranh tụng tại phiên tòa là LS thì lại bị gây khó đủ điều. Thế nhưng điều này lại rất ít được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm. Ví dụ, sinh động cho chuyện này là sự kiện LS bị TAND quận 1 (TP.HCM) từ chối cấp GCN bào chữa mà báo Pháp Luật TP.HCMđã đăng tải (dù sau đó tòa này đã khắc phục rất tích cực). Sự việc trên cho chúng ta thấy điều trái khoáy: LS không thể tiếp xúc với bị cáo trong trại giam vì chưa được cấp GCN, còn tòa thì không cấp GCN cho LS vì không có chữ ký yêu cầu của bị cáo. Điều này khiến dư luận không thể không lên tiếng yêu cầu cơ quan và người có thẩm quyền phải nhanh chóng chấn chỉnh để khắc phục tình trạng trên. Theo tôi, việc cấp GCN bào chữa cho LS chẳng qua chỉ là tờ giấy ghi nhận sự tham gia của LS. Nhưng để được cấp nó, trên thực tế lại gặp không ít khó khăn, mà cái khó này lại bị đẩy về phía LS, tức là bị can/bị cáo phải nhận lãnh hậu quả. Vậy thì hà cớ gì chúng ta phải giữ cái thủ tục ấy để nó lại gây rắc rối, phiền hà. Nên chăng trong lần sửa đổi BLTTHS tới, ta cần bỏ thủ tục ấy đi. Thay vào đấy chỉ cần LS trình thẻ LS, giấy hành nghề, giấy yêu cầu của bị can, bị cáo hoặc người thân của họ và giấy giới thiệu của văn phòng LS và tổ chức cơ quan tố tụng cấp giấy đăng ký bào chữa cho LS. Có như thế LS mới dễ dàng tham gia bào chữa, đảm bảo quyền được bào chữa của bị can, bị cáo, cũng là quyền con người mà Hiến pháp 2013 đã quy định. Ông Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM |