Người nghiện có bằng lái: Bình thường!?

“Hiện có khoảng 10% số lái xe container, xe khách đường dài có dấu hiệu nghiện hoặc đã nghiện ma túy. Tuy nhiên, đến nay các khâu từ đào tạo đến sử dụng, kiểm tra, phát hiện, xử lý số người này hoàn toàn bị bỏ lửng do chưa có quy định cụ thể” - ngày 24-2, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết.

Không thử máu khi cấp GPLX

Theo quy trình khám sức khỏe để học, cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX), người muốn học phải qua hàng chục mục khám từ tay, chân, mắt… đến da liễu, sức khỏe tâm thần. Thế nhưng quy trình này không hề có việc xét nghiệm máu để phát hiện những người sử dụng ma túy.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia, cho hay: Vì lý do trên nên nhiều người đã nghiện ma túy từ lâu nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để học và được cấp GPLX. “Chỉ nhờ hệ thống camera, chúng tôi mới phát hiện được một số học viên sử dụng ma túy khi đi học lái xe!” - ông Long cho biết.

Cạnh đó, theo ông Long, chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 đồng là người học có thể mua được giấy chứng nhận đủ sức khỏe để đi học hoặc đổi bằng lái xe. Vì thế, việc người nghiện lọt vào trường, học xong, có bằng lái là không hề lạ.

Từ đầu năm tới nay, cả nước xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân được nhắc tới là lái xe nghiện ma túy. Ảnh: L.ĐỨC

5-10 năm mới phải khám sức khỏe

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, xác nhận: Các quy định hiện hành về khám sức khỏe người đi học, đang lái xe còn nhiều bất cập, cần điều chỉnh. Ví dụ, Nghị định 93/2012 về điều kiện kinh doanh vận tải quy định sau 5-10 năm lái xe, khi đi gia hạn, đổi bằng lái thì người lái mới phải khám sức khỏe.

“Trong khoảng thời gian dài như thế, người lái có thể nghiện ma túy rồi nhưng không hề bị buộc phải khám sức khỏe giữa kỳ hoặc theo chu kỳ một năm/lần. Ngoài ra, nếu khám sức khỏe mà không phải xét nghiệm máu thì làm sao phát hiện họ đã sử dụng ma túy để buộc phải rời tay lái?” - ông Hiệp nói.

Đáng nói hơn, dù bất cập này đã được thấy rõ nhưng trong dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô… đang được Bộ Y tế soạn thảo cũng không quy định việc kiểm tra để phát hiện người nghiện ma túy.

Khó kiểm tra trên đường

 Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi trong cơ thể có chất ma túy. Tuy nhiên, theo một sĩ quan Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM (PC67), việc kiểm tra để xác định tài xế đang lái xe trên đường có chất ma túy trong người hay không là rất khó vì quy định chưa rõ ràng.

Cụ thể, Nghị định 171 (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2014) quy định phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng, tạm giữ xe bảy ngày và bằng lái hai tháng với người có hành vi “không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất ma túy” của người kiểm soát giao thông. “Cụm từ kiểm tra về chất ma túy là thế nào? Kiểm tra trong người, trong máu hay trên xe có chứa (chất) ma túy? Nghị định không nói rõ, mà đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nên CSGT rất khó thực hiện” - vị sĩ quan CSGT nói.

Cạnh đó, theo ông Lê Vĩnh Phát, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, đến nay cả CSGT và Thanh tra GTVT chưa được trang bị dụng cụ, thiết bị y tế để lấy máu hoặc nước tiểu, xét nghiệm nhanh, cho kết quả tại chỗ (như máy đo nồng độ cồn) để xử lý người nghiện lái xe. “Tại các bến bãi đỗ xe, bằng cảm nhận thực tế chúng tôi biết một số lái xe có sử dụng ma túy nhưng không có thiết bị y tế, chưa có thông tư hướng dẫn nên đành chịu” - ông Phát nói.

Xử lý mạnh doanh nghiệp

Theo ông Đinh Nam Dinh, hiện có rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thực hiện việc khám sức khỏe theo định kỳ hoặc đột xuất đối với lái xe. “Quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đang được Bộ GTVT lấy ý kiến (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 24-2) cần quy định doanh nghiệp phải khám sức khỏe theo chu kỳ vài tháng/lần cho lái xe. Quy định đó cần được cả ngành y tế lẫn GTVT phối hợp thực hiện. Có như vậy mới buộc doanh nghiệp vận tải kiểm soát chặt tình trạng sức khỏe của người lái, trong đó có việc sử dụng ma túy” - ông Dinh kiến nghị.

Còn theo ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải - công nghiệp, Sở GTVT TP, nghị định mới về kinh doanh vận tải cần có chế tài mạnh đối với doanh nghiệp sử dụng lái xe nghiện ma túy. “Nếu doanh nghiệp giao xe cho người nghiện lái thì chiếc xe đó phải bị rút phù hiệu, ngưng hoạt động có thời hạn chứ không thể thay tài là xong, doanh nghiệp chẳng bị gì” - ông Đức nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), khẳng định quy định mới về kinh doanh vận tải sẽ buộc doanh nghiệp phải tự kiểm tra, loại bỏ những người nghiện ma túy ra khỏi đội ngũ lái xe, trước khi các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp mạnh. “Không thể lấy lý do thiếu lao động, thiếu quy định kiểm tra để rồi doanh nghiệp cứ vô tư sử dụng người lái nghiện ngập gây nguy hiểm cho xã hội!” - ông Quyền nhấn mạnh.

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN

 

Hải Phòng: Kiểm tra ma túy mới được lái xe

Tại hội nghị trực tuyến về công tác thanh tra của Bộ GTVT diễn ra ngày 21-2, Bộ GTVT cho hay đến nay Hải Phòng là địa phương đầu tiên thực hiện kiểm soát ma túy ở người lái xe. TP này đưa ra quy định: Việc khám sức khỏe định kỳ với lái xe là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải. Trong khám sức khỏe định kỳ, Sở GTVT TP Hải Phòng yêu cầu phải có danh mục xét nghiệm máu, kiểm tra ma túy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm