Báo Pháp Luật TP.HCMxin được phép trích đăng những ý kiến trên theo lời tường thuật lại của cựu nhà báo Phúc Tiến (tác giả cuốn sách Sài Gòn hai đầu thế kỷ) để bạn đọc có thêm góc nhìn về vấn đề di sản ở nước ta hiện nay. Hơn nữa, lời gửi gắm của những thế hệ đi trước dành cho các bạn trẻ ngày nay cũng đáng để các bạn suy ngẫm.
Diễn đàn xoay quanh việc làm thế nào để gìn giữ được di sản Sài Gòn, những nét đặc trưng của Sài Gòn xưa. Ảnh: THANH TUYỀN
1. Anh Daniel Caune (người Pháp, sống ở Bordeaux)
Daniel Caune là một người rất mê các công trình di sản của Việt Nam, anh làm website để đưa lên những hình ảnh di sản của cả thế giới, trong đó luôn ưu tiên những hình ảnh về Sài Gòn. Anh nêu ý kiến như sau:
Thứ nhất, các tòa nhà xây dựng mới không được xây cao hơn những công trình di sản. Ví dụ như nhà thờ Đức Bà, thời Pháp có quy định là những công trình chung quanh đây không được vượt qua chiều cao của hai cái tháp nhà thờ Đức Bà (51 m). Năm 1955, có một tấm ảnh do người Pháp chụp lại trước khi rời Sài Gòn cho thấy đường Lê Duẩn này là một vườn cây, nếu đứng từ dinh Độc Lập thì đó là một vườn cây dài nhưng bây giờ là những tòa cao ốc. Anh Daniel Caune đề nghị nếu đã tuyên bố những công trình nào là di sản cần giữ lại thì cần khống chế chiều cao, không được vượt quá chiều cao đó (51 m).
Thứ hai, hãy tuyên bố quận 1 và quận 3 là hai quận di sản của Việt Nam, có vai trò gìn giữ những di sản văn hóa đặc trưng của Sài Gòn, không xây thêm những trung tâm thương mại, mua sắm... Cần có một khu phố xá là trung tâm về văn hóa, lịch sử chứ không phải là một khu thương mại, mua sắm...
2. Anh Soh Weng Yew (một người dân Singapore yêu thích Việt Nam, yêu thích di sản) gửi gắm:
Các di sản cần được giữ lại không phải chỉ ở việc bảo tồn các tòa nhà, tư liệu mà cái quan trọng là truyền thống. Xin các bạn trẻ hãy trân trọng những di sản lịch sử, những cái đã làm cho chúng ta có hiện tại như ngày hôm nay, hay nói cách khác, nếu không có quá khứ thì không có hiện tại.
Nhà báo Phúc Tiến chia sẻ về những ý kiến của nhiều người là nhà văn, tiến sĩ... đang sống, làm việc tại nước ngoài. Ảnh: THANH TUYỀN
3. TS Nguyễn Đức Hiệp (từ Sydney) chia sẻ quan điểm của mình:
Luật Di sản và cơ chế ở bang New South Wales quy định Hội đồng di sản địa phương là cơ quan độc lập, bao gồm các nhà chuyên môn trong xã hội, có quyền thẩm định đánh giá các dự án xây dựng có thể ảnh hưởng đến di sản văn hóa hay di sản thiên nhiên.
Hiến chương Burra (South Australia) thì quy định cảnh quan và thiên nhiên cũng là di sản văn hóa được bảo tồn.
Cộng đồng địa phương là nền tảng của công tác bảo tồn... Các quy trình bảo tồn di sản đều áp dụng cho tất cả di tích văn hóa chứ không chỉ giới hạn trong những di tích to lớn.
4. Nhà văn Trần Thùy Mai (từ San Francisco):
Những thế hệ mai sau đừng vô tình trong việc giữ gìn vẻ đẹp của những tòa nhà, những góc phố, thậm chí là của một mảnh vỡ sót lại từ quá khứ, như đoạn thành xưa ngày nào, tiếc thay giờ đã mất.
5. Phan Nguyên Thảo (từ London):
“Hình ảnh khiến mình thấy nhân văn nhất là những poster trên tàu viết về London Underground từ góc độ rất tình người. Một cô bé làm một bài thơ, rằng cha em là một nhân viên lái tàu. Mỗi ngày cha đi từ sáng sớm, khi trở về nhà cha đã mệt nhoài. Thỉnh thoảng cha vẫn nhận những phàn nàn, có khi hành khách lớn tiếng với cha rất nhiều lần nhưng cha vẫn ngày ngày đưa những chuyến tàu đi khắp London, để mọi người trở về an toàn và cha sẽ là người về nhà sau cùng...
Người Anh họ biết mang hoa hồng vào những thứ tưởng chỉ là sắt thép như thế và đó là cách họ xây dựng và gìn giữ những nét văn hóa rất đẹp của họ.
Chính con người thổi hồn và làm nên lịch sử. Sài Gòn cũng đã được gìn giữ dù là bằng nhiều cố gắng, hay từ trong vô thức bởi những người Sài Gòn chúng ta. Chúng ta đã làm được và sẽ tiếp tục làm được”.
Peter (một người nước ngoài có nhiều năm sống ở Việt Nam) đến dự và nói rằng ông yêu quý những gì mà Sài Gòn đã và đang có nên mong muốn mọi người hãy cùng gìn giữ những di sản đó. Ảnh: THANH TUYỀN
6. GS Lenny Trudo (từ Bangkok):
Trên báo New York Times có thống kê từ năm 1994 đến 2014, có 207 tòa nhà xây dựng thời Pháp bị phá bỏ. Nếu những công trình kiến trúc đó mất đi thì ký ức và cảm giác về thành phố hiện tại và tương lai là không còn nữa. Người không có ký ức có nghĩa là mất trí rồi, một thành phố không còn những gì xưa cũ của nó, biểu hiện thời kỳ đã qua của nó thì thành phố đã không còn quá khứ. Các kiến trúc có thể giữ được thì đó là món quà của thời gian, của tiền nhân để lại cho chúng ta. Ở Mỹ và châu Âu có nhiều tổ chức tham gia vào việc giữ gìn di sản.
7. Cựu nhà báo Phúc Tiến (Việt Nam):
Nhiều bạn trẻ nước ngoài nhìn vào di sản của Việt Nam vẫn thấy quý huống chi là chúng ta, chẳng lẽ chúng ta không quan tâm. Có những bạn nào đã lỡ tay viết lên tường gạch, ký tên lên tường gạch nhà thờ Đức Bà hay các công trình khác thì nên xem lại ứng xử của mình. Những người trẻ hãy học cách trân trọng nó...