Sáng nay (21-10), tại Hội trường NXB Trẻ (161B Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM) đã diễn ra buổi ra mắt sách “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” của tác giả Võ Đắc Danh, do NXB Trẻ xuất bản. Buổi giao lưu còn có sự góp mặt của TS Nguyễn Thị Hậu, cùng là người miền Tây với tác giả.
Tác giả Võ Đắc Danh (giữa), người luôn tự nhận mình là "Người Sài Gòn bất đắc dĩ" trong buổi giao lưu với độc giả sáng nay. Ảnh: THANH TUYỀN
Võ Đắc Danh nói rằng anh chưa bao giờ có ý định lên Sài Gòn và nghĩ rằng mình sẽ trở thành người Sài Gòn cả. Rồi cái duyên nó đến, vì vấn đề về sức khỏe và nhiều lý do khác, anh và gia đình buộc phải rời Cà Mau để lên Sài Gòn sinh sống. Đến nay, anh sống ở đất Sài Gòn đã được 14 năm nhưng luôn tự nhận mình là “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” vì anh không hề chủ động để trở thành người Sài Gòn.
Cái cách anh nói về tựa đề cuốn sách của mình nghe rất mộc mạc, chân quê: “Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ mình là người Sài Gòn bất đắc dĩ. Những câu chuyện của mình đậm mùi quê hương, đậm tình đậm nghĩa với người nông dân là chính. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành người Sài Gòn cho đến khi gặp một sự cố sức khỏe cùng một vài lý do khác. Cho nên tôi luôn nghĩ mình là người Sài Gòn bất đắc dĩ”.
Tác giả ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: THANH TUYỀN
Dù tự nhận mình là “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” nhưng Võ Đắc Danh thừa nhận anh cũng phải lòng Sài Gòn. “Nói thật, không yêu Sài Gòn thì đã không có tập sách. Sài Gòn là một thành phố bao dung, nhân hậu, là một tính cách mà không phải nơi đâu cũng có được” - anh bộc bạch.
Và cũng nhờ sống ở Sài Gòn nên tác giả mới yêu hơn mảnh đất quê hương của mình. Anh nhắc đến câu nói của một nhà văn mà anh tâm đắc:
“Văn học thì không có biên giới
Nhưng mà nhà văn thì phải có quê hương...”.
“Tôi nghĩ rằng trong ký ức của bất kỳ ai xa quê thì những hình ảnh lắng lại trong ký ức chính là điều giản dị nhất, là dòng sông, bến nước, con đò, ngọn rau... Khi xa quê thì mình thấy đó là điều thiêng liêng nhất” - anh tâm tình.
Nhân vật trong tập bút ký của Võ Đắc Danh là những con người chúng ta vẫn gặp mỗi ngày trên phố, về những phận đời mà chúng ta gặp mỗi ngày trên đường mưu sinh. Tất thảy họ đều khốn khổ và có những người thật sự sống trong bế tắc. Cũng có những phận người mà tác giả viết rồi đau đáu mãi, viết rồi không thay đổi được gì cho cuộc đời họ, cứ quẩn quanh để rồi bản thân anh lại thấy xót xa. Như anh từng nói: “Hồi mà tôi mới vào nghề thì nghĩ mình hăng máu giữ lắm, nghĩ mình như Lục Vân Tiên đi cứu nhân độ thế, tôi say sưa với những số phận hẩm hiu để hòng làm cho họ đổi đời. Nhưng mà càng về sau càng nhận ra rằng đó chỉ là điều hoang tưởng. Rốt cuộc thì mình chưa cứu được đời họ, chưa gặp mình thì họ đã khổ đau, gặp mình rồi họ vẫn khổ đau, có khác chi đâu...”.
Hai trong rất nhiều nỗi đau đó là khi anh viết về một gã khùng nuôi một đứa trẻ dù đứa bé không phải là con ruột. Sau khi bài báo đăng, nhiều nhà từ thiện tìm đến nằng nặc đòi đưa bé vào làng SOS, gã khùng sợ mất con nên bế con đi mất. “Cho đến bây giờ tôi vẫn đau xót khi nghĩ đến anh, không biết anh ở đâu và sống ra sao. Người thứ hai là chị Nguyễn Thị Tưởng, người đàn bà trên 30 năm đi kiện đến tan nhà nát cửa, bị chồng bỏ. Tôi cũng hy vọng bài ký góp phần cho chị Tưởng đòi lại công bằng, cuối cùng khiến chị tuyệt vọng hơn. Cái nghèo vẫn còn đó, đến nay chị vẫn làm ô sin để nuôi con, nuôi cháu” - anh kể trong ngậm ngùi.
Cô Nguyễn Thị Tưởng, nhân vật trong bút ký của Võ Đắc Danh, cũng có mặt trong buổi ra mắt sách sáng nay. "Dù không thay đổi được gì sau khi anh viết về tôi nhưng trên hết là tôi đã nhận được sự sẻ chia từ anh" - cô Tưởng nói. Ảnh: THANH TUYỀN
Sài Gòn, dù là lựa chọn bất đắc dĩ nhưng lại là nơi mà anh gom góp cho mình quá nhiều những giá trị và nét đẹp của cuộc sống. Hình ảnh dì Cúc -người phụ nữ hằng ngày vẫn phải nặng gánh mưu sinh để nuôi một đứa con điên, một đứa con bị bệnh xơ gan... Chịu bao nhiêu khổ đau như thế lại từ chối lời đề nghị của tác giả được đưa bà về nhà chỉ vì bà thương chú xe ôm vẫn đang đứng chờ bà để kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình... “Đêm nào mưa gió gì chú xe ôm cũng chờ đưa tôi về, tội nghiệp lắm. Cậu đưa tui về thì bỏ chú đâu có được...” - tác giả nhắc lại lời người phụ nữ.
“Một người khổ đau đến tận cùng như thế mà thương một ông xe ôm, sợ mình không đi sẽ mất mối... Hình ảnh đó giúp tôi nhận ra sự tử tế của một con người ở tận đáy xã hội” - anh kể.
Có lẽ với Võ Đắc Danh, anh sẽ không thể nào làm ngơ với những phận người ngày ngày vẫn góp mặt vào đời sống đô thị ở Sài Gòn. Như lời TS Nguyễn Thị Hậu cảm nhận: “Anh viết vì không chịu nổi sự bất công, mà nếu bản thân mình là người chứng kiến thì mình cũng sẽ hành động không bằng cách này cũng bằng cách khác. Như anh vẫn hay nói mình là người nông dân cầm bút, nhưng ngòi bút của anh luôn có cách phản ứng lại cái bất công của xã hội”.
Chính lòng nhiệt tâm của anh là sức hút thu hút mọi người cùng chung tay để ủng hộ cho cuốn sách cũng như dự án của anh. Trong ảnh: Tác giả Võ Đắc Danh tặng 20% doanh thu bán sách vào quỹ học bổng anh cùng hợp tác với nhà văn Nguyễn Đông Thức. Ảnh: THANH TUYỀN
Võ Đắc Danh dường như không cho mình được nghỉ ngơi quá nhiều mà luôn đau đáu với từng thân phận người. Chính lòng trắc ẩn từ sâu thẳm tâm hồn của anh là lực hút mãnh liệt nhất để nhiều người xung quanh cùng chung tay trong dự án này. Rất nhiều cá nhân, tổ chức đã cùng góp vào quỹ của anh. Họ đến với anh bằng tấm lòng nhân ái, cùng anh làm nên những điều hay, tử tế cho cuộc đời này!