Người Sài Gòn ngại sinh con

Người Sài Gòn ngại sinh con ảnh 1
Buổi tối, vợ chồng anh Phúc - chị Thêm cùng kèm con học bài - Ảnh: Quang Định
“Nuôi con cực quá” - chị Lý Thị Thêm (38 tuổi, Q.11, TP.HCM) thốt lên như vậy khi được hỏi về ý định sinh thêm em bé. Chị kể hồi chị và anh Bùi Tiến Phúc lấy nhau, chi tiêu của hai vợ chồng eo hẹp lắm. Chị lại sinh mổ nên sức đề kháng của con kém, bệnh tật liên miên, tiền thuốc men, đi bệnh viện không biết bao nhiêu là đủ.

Ưu tiên cho công việc


"Nguyên nhân chính của việc sinh ít con hiện nay là áp lực của nếp sống đô thị, công việc quá bận rộn, hơn nữa chi phí để nuôi con tới lúc trưởng thành cũng rất lớn. Thực tế, mỗi cặp vợ chồng nên có đủ hai con mới đảm bảo mức sinh thay thế, đảm bảo được nguồn nhân lực lao động trong tương lai, đảm bảo sự phát triển của giống nòi dân tộc"

Bà Tô Thị Kim Hoa (phó giám đốc Sở Y tế, chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM)



14 năm trôi qua, con trai giờ đã cao lớn gần bằng ba. Bây giờ anh chị đã có nhà riêng, thu nhập một tháng của hai vợ chồng cũng ngót nghét chục triệu đồng. Chị Thêm nhẩm tính: “Chừng ấy tiền trong thời buổi này, nuôi một đứa con thì dư đấy, nhưng hai đứa chắc không đủ, sinh con ra lại khổ con. Chỉ tính riêng tiền học, tiền ăn của con đã mất quá nửa số lương rồi. Thôi thì ráng làm lụng nuôi con cho tốt vẫn hơn”.

Khác với vợ chồng chị Thêm, chị Vũ Ngọc Đoan Trang (29 tuổi, chung cư Botanic, Q.Phú Nhuận) dù kinh tế vững vàng vẫn quyết định chỉ sinh một con. Chị Trang có công ty riêng, chồng kinh doanh thuận lợi với showroom ôtô giữa Sài Gòn. Cả hai vợ chồng đều trẻ, giỏi và cũng rất khéo sắp xếp thời gian để chăm con. Nhưng sở thích đi du lịch thường xuyên, nỗi lo canh cánh khó lấy lại vóc dáng sau sinh, cộng thêm nỗi ám ảnh thai nghén, bầu bì đã khiến chị Trang “cứ nghĩ đến sinh con là thấy ớn rồi”.

Còn chuyện sinh một con của chị Quỳnh Trâm (40 tuổi, Q.Thủ Đức) ban đầu vì công việc, nhưng về sau chị thấy lựa chọn của mình là sáng suốt. “Sinh một đứa con mất ít nhất ba năm trời, chăm từng bữa ăn giấc ngủ. Bắt đầu đi làm lại rồi, mình tiếc công việc, sinh thêm thì phải nghỉ, không tập trung làm việc được nên thôi. Khi bé học tới lớp 4, một hôm mình hỏi má sinh thêm em bé nha? Nó bảo thôi má đừng có dụ con, mấy đứa bạn cùng lớp con kêu có em khổ lắm. Mình bật cười mà lại nghĩ thương con, thôi mình nó cũng được rồi, thêm một đứa thì thời gian phải chia ra, tình cảm cũng phải san sẻ ra, tội nghiệp”.

Có một thế hệ cô đơn?


Con trai của chị Quỳnh Trâm - Tin - năm nay 13 tuổi, đã cao 1,65m và nặng tới 80kg, người rắn rỏi, chắc nịch. Cậu là võ sĩ huyền đai taekwondo, lại chơi đàn ghita rất hay. Chị Trâm kể rằng Tin thích đi học võ, học đàn từ nhỏ. Thế là sáu năm nay, cuối tuần nào chị cũng đều đặn chạy xe từ Thủ Đức đưa con lên Nhà văn hóa Thiếu nhi TP để học. Ngày con đòi đi học bơi, đưa con tới mấy bể bơi gần nhà nhưng thấy đông đúc quá, chị phải lặn lội tìm một bể bơi trong nhà hàng ở tận Bình Dương để con vào bơi cho thoải mái. Một năm nay, chị Trâm nghỉ hẳn công việc nhân viên văn phòng, chỉ ở nhà tập trung chăm lo cho con.

“Ba mẹ chỉ có mình con” cũng là câu mà anh Phúc - chị Thêm nhắc tới nhiều nhất trong câu chuyện về con trai 14 tuổi của mình. 17g, chị Thêm đi làm về, mang theo một ít bánh mì cho con ăn trước khi đi học ca tối. Cậu bé chạy ùa ra đón mẹ, đỡ lấy đồ ăn rồi leo lên gác. Một lát nữa, ba sẽ chở cậu đi học tiếng Anh. Đã học tới lớp 9, cậu vẫn chưa biết đi xe đạp, ngày ngày ba mẹ thay nhau đưa đón cậu tới trường cách nhà năm phút chạy xe.

Anh Phúc là nhân viên lái xe cho một công ty nước ngoài, nhưng ngày nào cũng thu xếp công việc về sớm với con. Anh nói nhiều khi đi làm mà con ở nhà một mình cũng không yên tâm, chỉ mong ngóng được về gặp con. Trái với vẻ bươn chải và khắc khổ của ba mẹ, Hậu thư sinh, bàn tay trắng trẻo với những ngón rất thon dài, mềm như tay nghệ sĩ. Công việc duy nhất cậu biết làm là tự pha một ly trà đá lạnh để uống khi khát.

Cuộc sống của cậu con trai giờ quanh quẩn từ trường về nhà, gói gọn trong căn gác nhỏ chưa đầy 10m2, bạn bè rất ít, cũng rất kiệm lời. Điều ấy làm anh chị cũng hơi lo lắng về tính tình của con, cố gắng bù đắp bằng cách cho con đi chơi nhiều với các anh chị em họ, nhưng bé nào cũng bận học, chẳng mấy khi có thời gian...
Theo MAI HOA - BẢO HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm