Nghị quyết 28 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Để đáp ứng mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ phải sửa luật theo hướng mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH.
BHXH chưa có chế độ quyền lợi ngắn hạn
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật BHXH hiện hành còn một số hạn chế như chưa có quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ linh hoạt.
Bên cạnh đó, quy định người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc dù được bổ sung tại Luật BHXH 2014 nhưng mới chỉ có khoảng gần 14.000 tham gia là một con số rất khiêm tốn.
Đáng chú ý, chính sách BHXH tự nguyện hiện hành được thiết kế chỉ với hai chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa có chế độ quyền lợi ngắn hạn. Song song đó, việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện mới được thực hiện từ năm 2018 và mức hỗ trợ còn thấp. Do đó, chính sách BHXH tự nguyện được đánh giá chưa hấp dẫn, khuyến khích người dân tham gia.
Trên cơ sở phân tích, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian.
Nhân viên BHXH tuyên truyền người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: V.LONG |
Song song đó, Nhà nước cần tăng mức hỗ trợ từ ngân sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.
Người lao động sẽ được hưởng lợi
Theo dự báo của cơ quan soạn thảo, trong giai đoạn 2024-2030, các chính sách trên nếu được chấp nhận sẽ làm phát sinh tăng chi ngân sách nhà nước khoảng 17.769 tỉ đồng, (bình quân mỗi năm 2.538 tỉ đồng).
Đến cuối tháng 3-2022, số người tham gia BHXH mới đạt 16,697 triệu người, chiếm 33,01% lực lượng lao động trong độ tuổi. Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 13,538 triệu người tham gia, chiếm 26,76% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Về số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021 tiếp tục tăng trưởng cao với khoảng 1,5 triệu người, vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết 28.
Trong đó, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện với mức hỗ trợ 30% so với mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn dự kiến phát sinh tăng 17.019 tỉ đồng (bình quân mỗi năm 2.431 tỉ đồng). Chính sách trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện sinh con dự kiến phát sinh tăng 750 tỉ đồng (bình quân mỗi năm 107 tỉ đồng).
Với chính sách trên, Bộ LĐ-TB&XH cũng dự báo nguồn thu vào quỹ BHXH trong ngắn hạn và trung hạn sẽ tăng nhưng đồng thời làm tăng nguồn chi từ quỹ BHXH trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Đối với doanh nghiệp, chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ làm tăng chi phí cho họ. Tuy nhiên, do NLĐ thuộc nhóm tăng này ở mỗi đơn vị là không nhiều nên chi phí tăng thêm là không đáng kể. Nhưng doanh nghiệp được lợi là giảm chi phí phải trả cho các rủi ro mà NLĐ gặp phải vì có sự chi trả từ quỹ. Việc đăng ký tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ giúp tăng cường quan hệ lao động hài hòa, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
“Đối với NLĐ, chính sách trên giúp họ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình lao động của mình cũng như hướng tới tuổi già có lương hưu. Việc bổ sung chế độ có thể giúp NLĐ giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh con và nuôi con nhỏ, giữ chân họ ở lại hệ thống BHXH thay vì hưởng BHXH một lần. Đặc biệt nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu hàng tháng khi về già hơn, đặc biệt là những người có quá trình tham gia BHXH ngắn…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Về đề xuất trên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ cơ quan soạn thảo. Cạnh đó, đơn vị này cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát bổ sung các nhóm đối tượng là NLĐ tham gia nền kinh tế chia sẻ phát sinh các quan hệ lao động mới, chẳng hạn như lái xe công nghệ…
Trong khi đó, Bộ Tài chính lưu ý cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung chế độ thai sản khi NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có yêu cầu phá thai (không phải phá thai bệnh lý) để đảm bảo không khuyến khích việc phá thai.
Sẽ trình Quốc hội Luật BHXH vào năm sau
Bộ LĐ-TB&XH dự kiến cũng sẽ bổ sung quy định việc giải quyết quyền lợi của NLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp đang chậm đóng BHXH, đặc biệt là các đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật mà còn nợ tiền đóng BHXH.
Cạnh đó, xem xét ghi nhận thời gian đóng BHXH của NLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH mà không có khả năng thu hồi bằng nguồn kinh phí từ chi phí quản lý BHXH (50% kinh phí) và tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH (50% kinh phí).
-----
Dự kiến tại kỳ họp thứ sáu (diễn ra vào tháng 10-2023), Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi) để Chính phủ hoàn thiện dự luật. Sau đó, tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra vào tháng 5-2024), Quốc hội dự kiến thông qua dự án Luật BHXH và có hiệu lực từ đầu năm 2025.