Việc viết "tâm thư" được nhiều ý kiến dư luận. Đây cũng là một giải pháp từng hữu hiệu với vài trường hợp trước đây. Nhưng tôi lại không đồng tình, bởi không thể đụng chuyện là “xét lại”. Ngoại trừ những trường hợp theo tôi là vô cùng đặc biệt thì mới có thể có ngoại lệ, còn nếu đã là quy định thì cần phải thực thi nghiêm ngặt. Ngoài kia vẫn còn biết bao nhiêu thí sinh “rớt từ vòng gửi xe” với lý do tương tự nữ sinh kia, thì tại sao chỉ cô được xét lại? Ai cũng kéo nhau viết tâm thư thì mọi chuyện sẽ ra sao?
Hai thí sinh đạt 30,5 điểm nhưng không đỗ trường CAND đã viết tâm thư lên Chủ tịch nước và bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Soha
Thứ hai, nhiều ý kiến quay sang chỉ trích người cha “một thời lầm lỡ”. Có lẽ một phần vì con trượt, một phần vì búa rìu dư luận nên chính người cha vô tình trở thành nạn nhân của việc trượt của con. Đúng là người ta có quyền chọn lựa việc họ làm nhưng không ai có thể xóa đi quá khứ. Người cha từng làm sai, ông ấy phải trả giá bằng sự nghiêm trị của luật pháp, trở thành một người tốt, chăm nuôi con gái để cô đạt mức điểm thi 30,5 thì hà cớ gì ông phải mang thêm một cái tội “làm con thi trượt”?
Thứ ba, sẽ không có những tranh luận không cần thiết về việc viết "tâm thư”; càng không có những đau buồn, day dứt đáng tiếc đối với người cha nếu cô con gái tỉnh táo, suy nghĩ lại về tương lai của mình. Nhìn cô con gái xin xắn, trắng trẻo, thậm chí có phần “tiểu thư” bên cạnh người cha khắc khổ, tôi ước gì cô bé đừng mãi khóc lóc trước báo chí và dư luận, để rồi vô tình đẩy cha mình vào thế đớn đau.
Từng trượt đại học, tôi hiểu cảm giác buồn phiền đến mất ăn mất ngủ. Nhưng không thể vì thế mà dễ dàng cầu cứu dư luận. Tại sao nhất định phải là trường an ninh? Giả sử nếu số điểm không đạt thì cô bé phải làm sao? Nói như vậy để thấy rằng, với số điểm 30,5 cô bé còn biết bao chọn lựa tốt đẹp: một cô giáo, một luật sư, một doanh nhân, một kỹ sư, hay một nhà khoa học... Thay vì khóc lóc và tìm kiếm sự xét lại, lẽ ra cô bé cần mạnh mẽ mà chọn lựa cơ hội thứ hai cho mình và cả cho người cha khó nhọc nuôi con suốt ngần ấy năm trời.
Ở xứ mình, nếu ngày xưa có câu “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa” thì thời này dường như đang có xu hướng vào ngành an ninh. Tôi biết đó là một chọn lựa có những ưu thế nhất định về chi phí học tập cũng như dung dưỡng những mơ ước khác nhau. Nhưng còn trẻ, tuyệt nhiên không nên xem đó là chọn lựa duy nhất. Các bạn tự gắn mác “ước mơ” vào ngành an ninh, để rồi trở nên yếu đuối và kém cỏi - ngành an ninh càng không cần những người như vậy.
Hãy tỉnh táo và chọn lựa con đường khả dĩ nhất cho tương lai của mình thay vì chỉ ngồi đó khóc than và “xin” được học an ninh.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả