Ở một số quốc gia mà tôi từng tiếp xúc, họ cũng có thời gian nghỉ và thường rất dứt khoát giữa làm và nghỉ. Ví dụ nghỉ tết, xong ngày đó là thôi chứ không dây dưa như bên mình.
Về bình diện xã hội, dân số đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên thực tế kể trên. Dân số tăng khi lượng công việc tăng không đáng kể, hệ thống công chức ở các cơ quan công quyền đang được cố gắng thu hẹp nhưng tôi lại thấy càng ngày nó càng phình ra ở giới công chức làm chuyên môn. Trong môi trường này, có hiện tượng mỗi người làm việc khác nhau, năng suất khác nhau nhưng rồi cuối năm thì vẫn như nhau về cách đánh giá. Thế nên xuất hiện tâm lý làm chừng mực, mà một số nơi muốn làm cũng không phải lúc nào cũng đủ việc mà làm. Đó là một tâm trạng xã hội có thực.
Yếu tố nữa là giáo dục. Trong vài chục năm trở lại đây tôi nhận thấy nền giáo dục của ta không dạy cho trẻ con những điều nghiêm ngặt nhất như là tính tiết kiệm và tôn trọng sản phẩm tri thức. Ngày trước chúng ta còn thấy những câu chuyện ở
nông thôn, con cái rơi hạt cơm bố mẹ còn bắt nhặt lên, sách vở phải giữ gìn cẩn thận…, bây giờ mất đi nhiều, đặc biệt là ở thành thị.
Tiếp nữa đó là người Việt có thói sĩ diện hão. Thế nên hơi rảnh là tụ bạ với nhau, có bao nhiêu tiền thì tiêu bằng hết. Nhiều tiền, nhiều thời gian thì la cà quán nhậu, ít hơn thì cà phê, trà đá. Quan nhậu kiểu quan, dân nhậu kiểu dân.
Tóm lại, thành thực mà nói người Việt lười là có thật. Giá như thời gian rỗi đó được họ dùng cho việc dung nạp tri thức thì tốt biết bao nhiêu.
TS NGUYỄN VĂN VỊNH, nguyên Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển