Xuất phát từ đặc trưng văn hóa
. Phóng viên: Ông có thể phân tích rõ hơn mối quan hệ nhân quả về nhận định trên?
Tính ưa hài hòa của người Việt dẫn đến tư tưởng trung bình, làm vừa vừa, không muốn làm gì hơn, quá. Chúng được đúc kết qua những câu tục ngữ như: “Lắm thóc nhọc xay” hay “Trèo cao té đau”. Người Việt Nam Bộ còn nói rõ hơn qua triết lý “Cầu sung vừa đủ xài” thể hiện trong mâm ngũ quả.
Còn tính cộng đồng xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cần tập trung nhiều người. Chính để củng cố tính cộng đồng mà người Việt có thói quen thích tụ tập. Phụ nữ thì tụ tập để buôn chuyện, nam giới thì tụ tập để nhậu nhẹt… Nếu như một ngày cần làm tám tiếng thì họ chỉ làm khoảng sáu tiếng thôi, thời gian còn lại thì tụ tập…
. Cũng là người Việt nhưng những người làm việc cho các công ty nước ngoài thì lại khác. Họ làm việc rất siêng năng, hiệu quả công việc cũng rất cao?
+ Đúng thế, xét về bản chất, không phải người Việt mình tệ mà ngược lại, người Việt mình hoàn toàn có thể siêng năng, lại vốn rất thông minh, linh hoạt. Nhiều người làm việc ở trong nước thì bình thường nhưng khi làm cho công ty nước ngoài hoặc ra làm việc ở nước ngoài thì đã thành những con người kiệt xuất. Nguyên nhân là do họ được làm việc trong một môi trường khác, với cách quản lý khác khiến những tiềm năng của họ có điều kiện phát huy.
Tụ tập tán chuyện, một trong những đặc trưng của văn hóa cộng đồng người Việt. Ảnh: VT
Việc người lao động Việt Nam hay kêu ca, so bì thì cũng không có gì mới lạ. Do tính cộng đồng, cào bằng nên người Việt rất hay so sánh. Thêm vào đó, do cách quản lý tùy tiện, thiếu khách quan, công bằng khiến người dân mất lòng tin vào người quản lý. Trong khuôn khổ các hợp tác xã nông nghiệp thời bao cấp, người lao động Việt Nam đã có câu ca dao: “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài, mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho cán bộ xây nhà, lát sân…”.
Dân tin thì họ mới nỗ lực
. Vậy là nguyên nhân chưa hẳn do bản thân người lao động Việt Nam mà còn là do cách quản lý, cách sử dụng lao động? Ông lý giải vấn đề này dưới góc nhìn văn hóa như thế nào?
+ Tính cộng đồng của người Việt đã làm nảy sinh ra tính háo danh. Xưa người Việt đi học chủ yếu với mục đích để làm quan. Đến giờ tình trạng này vẫn phổ biến: Học để thăng quan tiến chức. Chính vì có mục đích như vậy nên nhiều người tìm cách đi đường vòng, học giả bằng thật, chạy chọt mảnh bằng để có địa vị, có địa vị thì vừa có danh vừa có tiền nhiều. Những người với mục đích sống như vậy thì không thể là những người làm việc tốt, tạo ra năng suất tốt. Do đó, khi họ làm quản lý thì thường không được người lao động tin tưởng vào sự công bằng, khách quan. Hậu quả là người lao động làm việc cầm chừng, không muốn phấn đấu, nỗ lực...
. Vậy theo ông có giải pháp nào để người Việt làm việc nhiều hơn, năng suất cao hơn?
+ Theo tôi vấn đề này phải giải quyết một cách đồng bộ cả nhận thức lẫn hành động, cả từ dưới lên và từ trên xuống, trong đó bắt đầu phải từ khâu quản lý. Anh phải quản lý làm sao để lấy lại niềm tin của người lao động rằng có sự công bằng, rằng người làm tốt sẽ được hưởng những quyền lợi vật chất (lương bổng) và tinh thần (được khen, được bảo vệ khi bị đồng nghiệp ghen ghét...) tương ứng thì họ mới phấn đấu.
Để thay đổi nhận thức của người dân trước hết phải thay đổi nhận thức, thay đổi tư tưởng từ những cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Trên phải làm sao cho dân tin thì họ mới nỗ lực hết mình.
Cuối cùng, phải làm sao đánh thức ý thức cá nhân của mỗi người. Cá nhân ở đây không phải là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, không phải chỉ vì quyền lợi cá nhân. Cá nhân ở đây là trách nhiệm cá nhân, bản lĩnh cá nhân. Người phương Tây có ý thức cá nhân rất cao, cái cá nhân đó tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, cá nhân vì sự tiến bộ chung của xã hội. Nói một cách khác là cá nhân có quyền hưởng lợi nhưng hưởng lợi một cách chính đáng, hợp lý chứ không phải hưởng lợi theo kiểu tham ô, tham nhũng.
. Xin cảm ơn ông.
TRUNG THANH thực hiện