Đừng quá lo nghĩ về bản thân
Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của báo trong loạt bài vừa qua. Có thể nói rằng không đâu có kiểu vừa làm vừa chơi nhiều như ở Việt Nam, vừa bước ra đường là hàng loạt các quán nhậu, quán ăn uống bởi có cầu ắt có cung. Người Việt buồn cũng chơi, vui cũng chơi mà không buồn, không vui cũng chơi, gây thất thoát thời gian làm việc nhiều vô kể...
Trước tình trạng như thế, tôi cho rằng cần có một số cách khắc phục như sau. Thứ nhất là giảm số cán bộ, công chức sáng cắp ô đi chiều cắp ô về để chúng ta tập trung vào công việc, giảm bớt hiện tượng rảnh rỗi. Cạnh đó tăng lương cho lực lượng công chức miệt mài với công việc. Xử lý nghiêm và tiến đến cấm tuyệt đối uống bia rượu, ngồi quán trong giờ làm việc. Hạn chế tối đa việc xét duyệt cho cán bộ công chức đi học thạc sĩ, tiến sĩ bởi vì nhiệm vụ của cán bộ, công chức là làm việc phục vụ cho Nhà nước và nhân dân chứ không phải học để tìm thêm cho mình một cái bằng nhằm lo cho bản thân mình.
NGUYỄN VIỆT KHOA, Trung tâm Tư vấn và Bồi dưỡng pháp luật kinh doanh -
khoa Luật Trường ĐH Kinh tế
Các doanh nghiệp trong nước thường đặt mục tiêu lợi nhuận hàng đầu nên bỏ quên việc tái đầu tư kiến thức và kỹ năng cho nhân viên nhằm giúp bản thân họ tăng năng suất, tăng động lực và sự cống hiến. Ảnh minh họa: Tam Anh
Chú trọng tái đầu tư kiến thức
Người nước ngoài đánh giá cao về năng lực tiềm ẩn của người Việt như thông minh, cần cù… Tuy nhiên, người Việt làm việc khá cảm xúc và hay để những việc khác lấn át lý trí. Trong công việc, họ ít khi tập trung dẫn đến tình trạng năng suất thấp. Nguyên do sâu xa có lẽ xuất phát từ việc học cũng như cách giáo dục từ thuở bé khiến khi lớn lên, họ chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để bắt đầu một công việc…
Thứ nữa, tôi cũng nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam thường đặt mục tiêu lợi nhuận hàng đầu nên bỏ quên việc tái đầu tư kiến thức và kỹ năng cho nhân viên nhằm giúp bản thân họ tăng năng suất, tăng động lực và sự cống hiến. Do đó, hầu hết nhân viên chỉ gắn bó trong giới hạn nhất định, khi thật sự cảm thấy “đủ lông, đủ cánh”, họ sẽ tìm môi trường mới phù hợp hơn. Thực tế doanh nghiệp Việt Nam thường đầu tư vào các vị trí quản lý, sẵn sàng trả lương cạnh tranh để kêu gọi các “ngôi sao” về đầu quân. Như chúng ta đã thấy, một đội bóng không thể chỉ có một tài năng để có thể làm nên tất cả trong dài hạn mà cần sự phối hợp nhịp nhàng của cả đội. Do vậy, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này, nỗ lực làm việc, cải tạo mình để phát triển…
Một điểm phổ biến khác, người Việt có thói quen hay kêu ca và phàn nàn, đôi lúc hay đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh thay vì nhận trách nhiệm về mình... Hiện tại các doanh nghiệp hầu như đã thiết lập hệ thống đánh giá công việc chuẩn mực dựa trên thành tích cá nhân nên phần nào giảm thiểu tình trạng này. Trên đà đó, chúng ta cần phải phát huy công tác này nhiều hơn nữa để làm sao ngăn chặn được tình trạng nêu trên.
TRẦN THÙY TRÂM, Giám đốc bộ phận tuyển dụng nhân sự cao cấp Công ty
Giải pháp Nguồn nhân lực L&A
Than phiền đúng lúc để mang lại hiệu quả Chị NTL, nhân viên Ngân hàng Citibank, nhìn nhận: “Qua thực tế bản thân, tôi thấy trong môi trường công sở có hai dạng: Dạng có tham vọng và không có tham vọng. Với người không có tham vọng giao công việc gì, bố trí vị trí nào họ cũng không kêu ca, nhất nhất làm theo. Ngược lại, người có tham vọng họ lại tập trung hoàn thành công việc nhưng họ vẫn than phiền. Cách than phiền của người có tham vọng không phải để thoái thác công việc mà họ xem đó là động lực để làm tốt hơn, đạt mục đích xa hơn. Theo tôi, than phiền trong môi trường công sở là không thể tránh khỏi. Vấn đề làm sao khi than phiền là để thúc đẩy công việc tốt hơn, chứng tỏ năng lực mình tốt hơn. Lâu nay tôi thấy người Việt than phiền và bỏ bê công việc chứ không phải cố gắng làm việc. Tôi mong rằng chúng ta than phiền để làm việc nhiều hơn, mang lại hiệu quả tốt hơn chứ đừng than phiền theo kiểu phá đám để bỏ bê... |