Nguồn án ở TP.HCM rất lớn, nhiều bản án có thể làm án lệ

(PLO)- Theo GS-TS Đỗ Văn Đại, thực tế, nguồn án ở địa phương như ở TP.HCM rất lớn và có thể xây dựng hay lựa chọn nhiều bản án/quyết định thành án lệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-9, TAND TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Áp dụng và phát triển án lệ tại TAND hai cấp TP.HCM”. Đây là một trong những hội thảo đầu tiên mà hai đơn vị đồng tổ chức.

Phát triển án lệ là yêu cầu tất yếu khách quan

TS Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM, cho biết một trong những mục tiêu trọng tâm của cải cách tư pháp là tòa án thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, đa dạng hóa nguồn luật, phát triển án lệ là yêu cầu tất yếu khách quan.

GS-TS Đỗ Văn Đại, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.YẾN

GS-TS Đỗ Văn Đại, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.YẾN

Từ năm 2005, ngành tòa án có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ... từng bước thực hiện công khai hóa bản án. Các TAND Cấp cao, TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, mỗi đơn vị phải đề xuất ít nhất năm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ/năm.

Hội thảo lần này là một trong những giải pháp để TAND TP.HCM thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Đại diện TAND TP.HCM cho biết tính đến ngày 18-8, TAND hai cấp TP.HCM có 69 bản án, quyết định có áp dụng án lệ. Trong đó, dân sự 55 bản án, quyết định; hôn nhân gia đình một bản án, kinh doanh thương mại 13 bản án.

Như vậy, sau hơn sáu năm triển khai thực hiện, án lệ đã thực sự đi vào đời sống pháp lý của đất nước, phát huy hiệu quả và được đón nhận tích cực. Qua đó có thể góp phần quan trọng trong cải cách tư pháp, thực hiện vai trò bảo vệ công lý của tòa án, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải nhìn nhận thực tiễn trong thời gian qua, hầu hết bản án, quyết định công bố làm án lệ là của TAND Cấp cao hoặc TAND Tối cao. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ đề xuất án lệ của TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương theo yêu cầu của TAND Tối cao như trên còn nhiều khó khăn và thách thức.

GS-TS Đỗ Văn Đại, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao, cho biết chúng ta đã có những thành công nhất định trong việc phát triển án lệ ở Việt Nam, hơn 50 án lệ đã được công bố. Tuy nhiên, việc phát triển án lệ như vậy vẫn còn chậm so với nhu cầu của thực tiễn và TAND cấp tỉnh, cấp huyện. Thực tế, nguồn án ở địa phương như ở TP.HCM rất lớn và có thể xây dựng hay lựa chọn nhiều bản án/quyết định thành án lệ. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm hay không quyết tâm của TAND các cấp trong việc phát triển án lệ. Nếu chúng ta quyết tâm phát triển án lệ, chúng ta hoàn toàn có thể có những án lệ xuất phát từ các bản án/quyết định tại tòa án địa phương như TP.HCM.

Đồng tình, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong mong các thẩm phán cố gắng để có bản án được chọn làm án lệ. Đó là vinh dự lớn trong quá trình làm nghề.

Áp dụng án lệ trong xét xử còn nhiều khó khăn

Theo Phó Chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải, công tác áp dụng án lệ trong xét xử của TAND cấp tỉnh, huyện theo quy định của Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP năm 2019 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như xác định như thế nào là tình huống tương tự, án lệ có giá trị tham khảo hay bắt buộc, cách thức viện dẫn án lệ, án lệ có là căn cứ để kháng cáo, kháng nghị không?… Đây là những căn cứ quan trọng cho quá trình phát triển và áp dụng án lệ nhằm đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, nâng cao chất lượng xét xử của các cấp tòa án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Án về xin lỗi, bồi thường khi xâm phạm danh dự

Ngoài ra, hội thảo còn đưa ra nhiều bản án trong lĩnh vực hành chính; kinh doanh thương mại, dân sự đề xuất làm án lệ. Đáng chú ý là bản án về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp khắc phục do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân (bản án số 01/2016 TAND quận 2 cũ, nay là TAND TP Thủ Đức).

PGS-TS Lê Minh Hùng (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng bản án đã giải quyết được bốn vấn đề mà pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng.

Thứ nhất, việc lưu trữ, sử dụng, công bố thông tin, hình ảnh riêng tư về quan hệ tình dục của cá nhân dù không sai sự thật thì có xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định tại Điều 611 BLDS 2005 (nay là Điều 592 BLDS 2015) hay không?

Thứ hai, tiền thanh toán dịch vụ cho tổ chức thừa phát lại để lập vi bằng đối với Facebook đăng thông tin, hình ảnh riêng tư về quan hệ tình dục làm tài liệu, chứng cứ chứng minh sự vi phạm có phải là thiệt hại vật chất được bồi thường trong trường hợp này hay không?

Thứ ba, đối với việc công bố thông tin về sự kiện thực tế liên quan đến quan hệ tình dục là bí mật đời sống riêng tư của cá nhân thì có phải cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng hay không?

Thứ tư, buộc người vi phạm phải xin lỗi người vi phạm ở đâu, như thế nào cho đúng và có thể thực hiện được thông qua việc thi hành án?

Nói cách khác, vấn đề pháp lý/tình huống pháp lý cần có án lệ ở đây là xác định tính chất của hành vi đăng thông tin riêng tư của cá nhân trên mạng xã hội công khai (Facebook) có thuộc trường hợp xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân hay không và biện pháp khắc phục đúng, hợp lý là như thế nào để bảo đảm việc áp dụng được thống nhất, có khả năng thi hành án?

Theo ông Hùng, bản án trên tuyên cụ thể buộc bên xâm phạm phải xin lỗi bên bị xâm phạm theo phương thức trực tiếp, một lần, tại chi cục thi hành án, được thông báo, đưa tin công khai. Đây là hướng giải quyết thuyết phục, khả thi, tạo điều kiện để bên phải thi hành có thể thực hiện được, đồng thời cũng thỏa mãn cơ bản quyền được xin lỗi, góp phần xoa dịu sự uất ức, đau buồn của người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín…•

Đề xuất án hình sự trong thực tiễn từng bị kháng nghị

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng và các thành viên của bộ môn luật hình sự, Khoa luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM đề xuất bản án của TAND TP.HCM xử phúc thẩm có kháng nghị.

Theo đó, bản án về tội cướp giật tài sản đã giải quyết được hai vấn đề mà trong thực tiễn định tội danh các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt còn nhiều tranh luận, chưa thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật.

Thứ nhất, bản án đã xác định việc định tội danh các tội có tính chất chiếm đoạt phải căn cứ chủ yếu vào phương thức thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, xác định hành vi chiếm đoạt xảy ra khi nào và như thế nào có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định đúng tội danh.

Thứ hai, bản án đã chỉ ra nếu thủ đoạn gian dối chỉ giúp người phạm tội tiếp cận tài sản chứ không phải là thủ đoạn chiếm đoạt tài sản thì không thể định tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận định của tòa án với nội dung: “Bị cáo Nguyễn Thành Quốc B có thủ đoạn gian dối là để các bị hại thấy bị cáo có tiền, nhằm tạo niềm tin để tiếp cận tài sản. Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, các bên đang thực hiện hành vi giao hàng - nhận tiền, việc chuyển giao tài sản giữa các bị hại và bị cáo chưa hoàn thành, bị cáo chưa ký nhận vào chứng từ giao hàng, tài sản vẫn trong tầm quản lý của các bị hại thì bị cáo đã tăng ga, điều khiển xe tẩu thoát cùng tài sản. Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Thành Quốc B đã phạm vào tội cướp giật tài sản."

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

(PLO)- Trẻ em khi đến tuổi theo quy định, nếu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo Nghị định 100/2019.