Ngày 8-9, ông Huỳnh Văn Nguyên – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp cho biết nguồn tài nguyên cát ngày càng cạn kiệt, hiện tỉnh đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu thực tế.
Theo ông Nguyên, trong những năm gần đây các Quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông xây dựng nhiều đập thủy điện, cùng với sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu làm cho lượng nước từ thượng nguồn về sông Tiền, sông Hậu ngày càng giảm đồng thời lượng phù sa (trầm tích cát sông) bồi đắp hàng năm cũng giảm đi rất nhiều.
Còn các khu mỏ được cấp giấy phép khai thác đến nay trữ lượng còn lại trong từng khu mỏ rất ít và thực tế một số giấy phép (mỏ cát) đã hết trữ lượng, đạt cao trình cho phép theo quy hoạch đã phải dừng khai thác.
Ông Huỳnh Văn Nguyên – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HD |
Năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác cát sông với công suất khai thác khoảng 6 triệu m3/năm và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm dần sản lượng khai thác trong các năm tiếp theo. Ước tính năm 2023 sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 2 triệu m3.
Ông Nguyên cho biết, qua tổng hợp, nhu cầu cát của tỉnh Đồng Tháp năm 2022 – 2025 rất lớn, trung bình cần hơn 10 triệu m3/năm. Số liệu này chưa kể các công trình Trung ương qua địa bàn tỉnh, công trình ngoài tỉnh nhưng có yêu cầu cung cấp cát và công trình dân sinh trong tỉnh như cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (1,44 triệu m3) và cao tốc An Hữu – Cao Lãnh (1,37 triệu m3).
Khai thác mỏ cát trên sông Tiền (địa phận tỉnh Đồng Tháp) |
Trong năm 2022 khả năng cung ứng của tỉnh chỉ đạt khoảng 44,74% so với nhu cầu. Bên cạnh đó, trong năm 2021 và năm 2022, dù nguồn cung ứng cát trong tỉnh rất khan hiếm, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ưu tiên cung ứng cho công trình trọng điểm của Trung ương qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp là dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với tổng khối lượng cung ứng ưu tiên 1,227 triệu m3 cát.
“Thời gian qua, một số địa phương và Bộ GTVT cũng đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp cung ứng cát cho các công trình bên ngoài tỉnh. Tuy nhiên thực tế hiện nay cung và cầu đã mất cân đối rất lớn, công trình có sử dụng cát ngày càng lớn, trong khi đó nguồn tài nguyên cát ngày càng cạn kiệt, không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó việc tỉnh cân đối để có thể cung ứng cát cho các công trình bên ngoài tỉnh gặp rất khó khăn” – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp thông tin.
Kiến nghị nghiên cứu vật liệu thay thế cát nước ngọt
Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp hiện tình hình sạt lở bờ sông diễn ra nhiều vị trí, kể cả các sông rạch nội đồng không có khai thác cát.
Qua khảo sát trên sông Tiền, sông Hậu, tại những nơi có mỏ khai thác cát đều không có sạt lở bờ sông. Ngược lại, các vị trí sạt lở bờ sông lại xảy ra tại các khu vực không cấp phép khai thác và tại các vị trí sạt lở cho thấy phía bờ đối diện hình thành các bãi bồi lấn ra sông làm thay đổi dòng chảy nhưng chưa được nạo vét, chính trị kịp thời.
Trên cơ sở thực trạng hoạt động quản lý, khai thác nêu trên và nhu cầu vật liệu san lấp, xây dựng sắp tới và để đảm bảo cung cấp vật liệu cho các công trình trọng điểm của tỉnh và các công trình Trung ương trong và ngoài tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (kể cả các tỉnh không có dự án đi qua) rà soát, huy động nguồn vật liệu san lấp để cung cấp đáp ứng nhu cầu chung trong khu vực, hoặc cục bộ trong thời gian ngắn hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho các cao tốc của Trung ương.
Bên cạnh đó tỉnh kiến nghị giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành Trung ương làm việc với UBND các tỉnh có dự án của Trung ương đi qua địa bàn, có trách nhiệm rà soát (cấp mới, cấp lại giấy phép khai thác cát, đất), đảm bảo nguồn vật liệu cung ứng phục vụ công trình qua trên địa bàn tỉnh mình.
Đồng thời Đồng Tháp cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ sớm chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt (cát đồi, các nhiễm mặn, xỉ than....) để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp; rà soát, giảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn vật liệu san lấp nhằm giảm áp lực phải cung cấp cát nước ngọt.