Khảo sát cho thấy nhiều quán ăn, nhà hàng sử dụng nước rửa tay không nhãn hiệu. Tại nhà hàng ẩm thực ĐQ (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), thực khách cảm thấy không hài lòng khi nơi đây cho khách dùng chai nước rửa tay không nhãn hiệu. Tương tự, tại quán ẩm thực LR (phường 8, quận Gò Vấp), quán vườn ẩm thực X&N (phường Thới An, quận 12)…, các chai nước rửa tay cũng không có một dòng chữ cho biết nguồn gốc hoặc được đựng trong những chai lọ khác như chai nước rửa kiếng.
ThS Huỳnh Thành Công, Phó Trưởng phòng Tổng hợp hữu cơ thuộc Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (TP.HCM), cho biết thành phần trong nước rửa tay gồm các chất hoạt động bề mặt, các chất nhũ hóa, chất tạo độ đặc, độ sánh cho xà phòng, chất ổn định độ pH, dung môi hữu cơ, một số muối vô cơ, hương liệu, bột màu… Các chất nói trên bán ở thị trường trôi nổi rất nhiều với giá rẻ. Vì lợi nhuận, nhiều người sử dụng sản xuất nước rửa tay để giảm giá thành.
Nước rửa tay đựng trong chai thủy tinh không nhãn mác tại nhà hàng ĐQ (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân). Ảnh: T.NGỌC
Giá của các loại nước rửa tay có thương hiệu dao động từ 75.000 đồng đến 80.000 đồng/lít. Tuy nhiên, nước rửa tay trôi nổi đựng trong bình 10 lít, 20 lít được bày bán quanh chợ Kim Biên (quận 5) có giá không tới 10.000 đồng/lít.
BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế), cho biết sau khi đi vệ sinh thì bàn tay nhiễm nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nếu chỉ rửa tay bằng nước rửa tay trôi nổi, không đảm bảo chất lượng thì các loại vi khuẩn và virus gây bệnh vẫn còn bám trên tay rất dễ nhiễm vào thức ăn hoặc truyền sang người khác.
BS Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da liễu BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết dùng nước rửa tay kém chất lượng có thể ảnh hưởng nhiều đến da tay, đặc biệt gây nên hiện tượng viêm da kích ứng. Đó là tình trạng da tay bị phản ứng với nồng độ của hóa chất có trong nước rửa không an toàn. Nồng độ chất gây ra kích ứng càng nhiều, càng mạnh thì tổn thương da càng cao với các biểu hiện như đỏ, rát, nổi mụn nước. Khi mụn nước bị bể thì gây ra hiện tượng nhiễm trùng.
Theo TS Huỳnh Khánh Duy, khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐHQG TP.HCM, nước rửa tay trôi nổi có thể được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu có chứa các tạp chất nguy hiểm, có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Thí dụ, glycerin có thể bị nhiễm diethylene glycol, một chất độc gây suy thận cấp, suy gan cấp, có thể gây hôn mê và tử vong. Hương liệu tổng hợp có thể chứa các tạp chất thơm có nguy cơ gây ung thư…
TRẦN NGỌC