Nguy hiểm nào rình rập khi đi xe giường nằm?

Liên tiếp trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe khách giường nằm; nhiều trường hợp xe bị lật, cháy với số thương vong cao. Mới đây, Bộ GTVT đã yêu cầu các sở GTVT tỉnh, TP; Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn điện, cháy nổ… đối với xe khách giường nằm.

Tại TP.HCM, từ ngày 1-8, Thanh tra Sở GTVT TP đã mở cao điểm kiểm tra, xử lý xe khách, đặc biệt là xe giường nằm. Cùng lúc các trạm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM siết chặt công tác kiểm định đối với loại xe này.

“Phạt tôi là oan lắm”

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, qua hơn một tuần kiểm tra cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, lật… đối với xe giường nằm do mất an toàn điện, thiếu phương tiện phòng cháy... Cụ thể, kiểm tra xe khách giường nằm tại bốn bến xe lớn của TP cho thấy có đến 10% số xe giường nằm dính lỗi về an toàn cháy nổ.

Tại Bến xe Miền Tây, ông Lâm Trường Sơn, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 4, cho biết trong 23 xe vi phạm bị xử lý ở tuần đầu ra quân thì có đến 20 xe vi phạm về bình chữa cháy. Thế nhưng công tác xử lý nhằm răn đe, ngăn chặn việc tái diễn vi phạm về cháy, nổ với xe khách giường nằm là rất khó.

“Tôi chỉ biết lái xe, ăn tiền công theo tài chuyến. Đến giờ lên xe đón khách thì cũng chỉ thấy mấy cái bình chữa cháy đặt sau lưng ghế chứ có biết nó có xài được hay không đâu. Việc này là của chủ xe nên phạt tôi là oan lắm” - tài xế Nguyễn Minh, một tài xế ở Bến xe Miền Đông, phân trần khi bị thanh tra giao thông xử phạt lỗi bình chữa cháy trên xe không sử dụng được.

Theo ông Lê Hồng Việt, tài xế là người có phần trách nhiệm kiểm tra trang thiết bị PCCC trên xe nhưng các thiết bị đó là do chủ xe trang bị, nên khi thiếu bình hoặc bình có mà không xịt bọt được thì cũng khó xử phạt người lái.

Thanh tra giao thông TP đang kiểm tra một xe khách giường nằm. Ảnh: L.ĐỨC

Lực lượng chức năng ghi nhận hiện trường một xe khách giường nằm bị cháy. Ảnh: HT

“Độ” lại hệ thống điện

Theo chân ông Ngô Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, kiêm đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam tại phía Nam, giám sát công tác kiểm định xe tại các trạm đăng kiểm, kiểm tra tại các bến xe và kiểm tra đột xuất trên đường, chúng tôi thấy lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp xe giường nằm tự ý thay đổi hệ thống điện, đấu nối thêm dàn đèn trang trí, bảng hiệu, tivi, đầu DVD, thậm chí dùng cả bình siêu tốc để nấu nước ngay trên xe.

“Nhà sản xuất đã tính toán rất kỹ và thiết kế hệ thống điện vừa đủ cho xe vận hành. Nếu “độ” thêm các thiết bị khác sẽ dẫn đến quá tải hệ thống điện gây chập, cháy. Cạnh đó, hệ thống điện trên xe là điện một chiều 24 V nhưng để dùng các thiết bị lắp thêm, nhà xe đã tự chế, dùng cục kích điện lên thành thành 220 V, không những gây nguy hiểm cho người sử dụng mà còn tạo nguy cơ gây ra cháy, nổ rất cao” - ông Sơn cho biết.

Để xử lý các trường hợp này, đối với các xe đi xét có thay đổi hệ thống điện so với thiết kế thì đăng kiểm viên, trạm đăng kiểm kiên quyết từ chối kiểm định, buộc phục hồi hệ thống theo đúng thiết kế của nhà sản xuất. “Thực tế khi xử lý các lỗi này, giữa đăng kiểm viên và nhà xe đã xảy ra tranh cãi căng thẳng. Tuy nhiên, với trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, chúng tôi kiên quyết không kiểm định những chiếc xe này” - ông Sơn nhấn mạnh.

Vẫn còn kiểm tra sơ sài

Theo chỉ đạo của Sở GTVT TP, ngoài lực lượng thanh tra giao thông, các bến xe cũng phải có trách nhiệm kiểm tra các xe giường nằm trước khi cho xuất bến. Thực tế ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCMcho thấy việc kiểm tra của các bến xe khá sơ sài, thậm chí làm… cho có. Đặt vấn đề này, giám đốc một bến xe phân trần: “Chúng tôi chỉ kiểm tra các loại giấy tờ liên quan đến xe và người lái. Còn các cụm, thiết bị kỹ thuật thì chỉ có thể kiểm tra bằng trực quan, không thể kiểm tra sâu về chuyên môn được. Ví dụ như nhìn xem xe có tivi hay không chứ có rành về điện đâu mà kiểm tra xem nó chạy bằng điện 24 V hay 240 V…”.

Cũng theo vị giám đốc này, nếu bến xe kiểm tra gắt thì phía nhà xe sẵn sàng bỏ bến, đem xe ra ngoài chạy. Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Tây, trong những trường hợp này, nhiều tài xế, chủ xe thường bất hợp tác hoặc lý sự với bến xe. “Có xe bị nứt kính trước, rất nguy hiểm khi chạy ở tốc độ cao, chúng tôi không cho xuất bến nhưng chủ xe cự cãi lại rằng làm thế là bắt bí nhà xe. Hoặc có trường hợp biết rõ nhà xe tháo ghế, giường để chở hàng trên khoang hành khách nhưng họ chống chế rằng ghế, giường đang tháo ra để đi hàn, sửa lại!” - ông Thừa kể.

Theo chân lực lượng chức năng kiểm tra ở bốn bến xe trong tuần qua, chúng tôi thấy nhiều trường hợp búa thoát hiểm được nhà xe cất trong thùng phụ kiện hoặc để trong… bọc nylon. Theo quy định, trên xe khách, xe giường nằm, búa thoát hiểm phải luôn gắn đúng vị trí để hành khách sử dụng nhanh nhất khi có sự cố. “Em phải để trong bọc này, chứ gắn ở thành xe là mấy cái búa nho nhỏ, xinh xinh này… “bay” liền. Khi đó không lẽ lục túi từng hành khách để lấy lại” - ông Văn Minh Thắng, tài xế ở Bến xe Miền Tây, lý giải với đoàn kiểm tra.

Ông Lã Hữu Thọ, Đội Thanh tra giao thông số 4, cho biết: “Với các trường hợp như thế thanh tra khó mà võ đoán xử lý nhà xe lỗi không có búa mà chỉ nhắc nhở họ lắp búa vào đúng vị trí”.

Những nguy cơ tiềm ẩn cần lưu ý

Khi đi xe khách giường nằm, hành khách nên tự trang bị một số hiểu biết để tránh rủi ro. Cụ thể, theo các chuyên gia về ô tô, ở xe giường nằm tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ do từ chính thiết kế của xe. Ngoài các loại mốp, xốp cặp bên thành khung xe để làm lạnh trong xe nhanh và giữ nhiệt lâu thì các xe giường nằm còn có đệm lót suốt chiều dài của giường. Với xe ghế ngồi chỉ có nệm lót từ ghế ngồi đến lưng, còn xe giường nằm thì nệm lót suốt từ chân lên đầu nên khối lượng vật liệu dễ cháy trên xe tăng lên rất lớn. Cạnh đó, trên các xe giường nằm còn có thêm cả gối và mền đắp cho khách nên khi xảy ra cháy nó trở thành vật bắt lửa.

Ngoài ra, dây đai an toàn gắn bên từng giường nằm có tính hai mặt. Khi xe va đụng, nếu trước đó khách không được hướng dẫn các thao tác tháo dây đai, đập cửa kính sẽ dễ rơi vào lúng túng, mất bình tĩnh thì chính chiếc dây đai lại trở thành dây cột hành khách chặt xuống giường. “Khi xe đã cháy mà khách không kịp tháo dây đai, thoát khỏi giường thì chỉ cần 2-3 phút là ngạt. Thực tế khám nghiệm hiện trường, nhiều khách chết vì ngạt trước khi chết vì cháy rụi cùng với vết dây đai vẫn hằn in trên bụng, ngực và thành giường” - ông Ngô Ngọc Sơn cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm