Theo đơn khởi kiện của ông C. nộp tại TAND tỉnh Khánh Hòa, trước đây vợ chồng ông T. có mượn của ông 1 tỉ đồng. Sau đó không có tiền trả nên ông T. đã đề nghị ông C. mua lại căn nhà của mình với giá 2 tỉ đồng, tức là ông C. sẽ chỉ phải đưa thêm 1 tỉ đồng nữa.
Thắng kiện vì chủ nhà vi phạm cam kết
Ông C. đồng ý. Tháng 8-2008, ông T. đã ký cam kết chuyển nhượng nhà đất (có công chứng) và ông C. giao trả 1 tỉ đồng cho ông T. Hai bên cam kết khi ông T. được cấp giấy hồng thì sẽ chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng. Lúc này do chưa có chỗ ở nên ông T. xin ở lại, khi nào làm hợp đồng chính thức sẽ giao nhà cho ông C.
Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy hồng, ông T. lại bán căn nhà cho Công ty K. với giá 700 triệu đồng (cũng được công chứng). Căn cứ trên hồ sơ này, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đã chỉnh lý, sang tên căn nhà cho Công ty K.
Lúc này, ông T. mới thông báo sự việc cho ông C. biết. Ông C. bèn dọn ngay vào nhà ở và yêu cầu cơ quan chức năng ngăn chặn việc cấp giấy hồng cho Công ty K. Đồng thời ông C. khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa buộc ông T. phải thực hiện hợp đồng cam kết mà hai bên đã ký năm 2008; hủy hợp đồng mua bán giữa ông T. và Công ty K.
Không kháng cáo, không đến tòa, bị mất quyền lợi
Trong vụ án này, TAND tỉnh Khánh Hòa xác định Công ty K. là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Công ty K. cho rằng hợp đồng mua bán nhà giữa công ty và ông T. là hợp pháp nên có yêu cầu độc lập với ông T. là phải giao nhà cho mình.
Tháng 8-2014, TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của ông C., buộc ông T. phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với ông C. Tòa cũng tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông T. với Công ty K. vô hiệu, hủy nội dung điều chỉnh do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chỉnh lý, bác yêu cầu đòi nhà của Công ty K.
Sau đó, cả ông C. lẫn ông T. đều không kháng cáo, riêng Công ty K. kháng cáo yêu cầu ông T. phải giao nhà cho mình. Ngày 9-9-2014, VKSND tỉnh Khánh Hòa có kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ án sơ thẩm vì cho rằng bản án sơ thẩm xử không đúng pháp luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng đã xử phúc thẩm, áp dụng điểm a khoản 2 Điều 199 BLTTDS để đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông C. với lý do hai lần tòa này đã triệu tập hợp lệ nhưng ông C. vẫn vắng mặt. Tòa chấp nhận kháng cáo của Công ty K., sửa án sơ thẩm, buộc ông T. phải giao nhà cho Công ty K.
Đình chỉ yêu cầu khởi kiện là sai?
Một vấn đề pháp lý đặt ra từ vụ án này là trong trường hợp nguyên đơn không có kháng cáo, tòa phúc thẩm đã triệu tập hợp lệ hai lần mà nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì giải quyết sao? Cách giải quyết như tòa phúc thẩm là đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn liệu đã đúng pháp luật và hợp lý?
Có ý kiến cho rằng tòa phúc thẩm quyết định như trên là đúng vì dù không kháng cáo, dù phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ có yêu cầu độc lập với bị đơn nhưng yêu cầu này lại trực tiếp xung đột với quyền lợi của nguyên đơn nên nguyên đơn cần có mặt tại phiên tòa phúc thẩm để bảo vệ quyền lợi của mình. Do đó khi đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà nguyên đơn vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và bị đình chỉ yêu cầu khởi kiện.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận xét việc tòa phúc thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là thiếu căn cứ pháp luật. Bởi lẽ khoản 2 Điều 199 BLTTDS hiện hành mà tòa áp dụng (quy định nguyên đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và tòa đình chỉ giải quyết vụ án) nằm trong Chương XIV BLTTDS, là chương quy định về phiên tòa sơ thẩm chứ không phải phiên tòa phúc thẩm. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không hề có quy định tương tự.
Đi sâu hơn, TS Nguyễn Văn Tiến (khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: Thứ nhất, nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm chứng tỏ họ đã từ bỏ yêu cầu khởi kiện của mình thì tòa đình chỉ là bình thường. Tuy nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm, họ không có kháng cáo mà vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì cũng có thể do họ đã chấp nhận phán quyết của tòa sơ thẩm. Không lý gì tòa phúc thẩm lại bác bỏ yêu cầu khởi kiện của họ khi họ đã chấp nhận kết quả xét xử trước đó của tòa sơ thẩm. Thứ hai, nguyên đơn không phải là chủ thể làm phát sinh trình tự phúc thẩm do không kháng cáo, trong khi cấp phúc thẩm chỉ xét những vấn đề có kháng cáo, kháng nghị.
Từ đó, TS Tiến cho rằng việc tòa phúc thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là sai, trái ý chí của nguyên đơn khiến vụ kiện của nguyên đơn tự dưng bị khép lại. Hệ quả là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo được lợi vì không còn ai tranh chấp về quyền lợi nữa. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay khiến nguyên đơn không còn cơ hội để được xem xét lại, trong khi khiếu nại giám đốc thẩm thì hoàn toàn tùy thuộc vào việc người có thẩm quyền có chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm hay không.
Đồng tình, luật sư (LS) Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An) cũng cho rằng việc tòa phúc thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong trường hợp trên là vô hiệu hóa nội dung của bản án sơ thẩm đối với họ. Lẽ ra tòa phúc thẩm phải tiếp tục xét xử vắng mặt nguyên đơn để xem xét đầy đủ yêu cầu của nguyên đơn và người có kháng cáo thì mớihợp tình hợp lý.
Hậu quả khó lường! Nếu ngành tòa án chấp nhận vận dụng điểm a khoản 2 Điều 199 BLTTDS hiện hành vào giai đoạn xét xử phúc thẩm thì nguyên đơn vẫn có quyền khởi kiện lại vụ án nếu họ còn thời hiệu khởi kiện bởi điều khoản này quy định rõ như vậy. Lúc đó sẽ dẫn đến hậu quả là cùng một nội dung tranh chấp nhưng các tòa sẽ phải xử nhiều lần. Lúc này dù đã có bản án phúc thẩm nhưng tranh chấp sẽ được quay lại bằng một vòng tố tụng khác và bản án phúc thẩm sẽ không thể thi hành được. Tôi nghĩ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần hướng dẫncụ thể về tình huống này theo hướng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, nếu nguyên đơn (không kháng cáo) đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thìtòa vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 BLTTDS hiện hành. LSBùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM |