Nguyễn Ngọc Ký: Góc nhìn riêng

Buổi giao lưu còn là một hoạt động tri ân nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đang tới gần. Những câu chuyện đã hoặc chưa từng biết về cuộc đời dạy và học của ông, cũng như những tâm tư tình cảm về nghề giáo hôm nay mà ông rút hết lòng mình ra trả lời các sinh viên.

Ước nguyện trở thành nhà văn của trẻ con

Về quyển Tôi học đại học của mình, thầy Ký kể ông đến với việc viết văn như thế nào, mong ước thật sự mà ông dành cho nghề văn ra sao… Ông kể, mình bắt đầu làm thơ, làm câu đố cho trẻ con từ hơn 40 năm trước khi ông còn đi dạy ở miền Bắc. Lúc đó do cuộc sống còn thiếu thốn, vừa do thói quen của đời sống nông thôn, học sinh đến trường gần như đều đi chân đất. Ông bèn nghĩ ra cách làm thơ để tác động các em. Ông viết: “Dép đạp nắng, dép đạp sương, đạp gai bùn, đạp giá rét, giữ chân đẹp, hồng gót son/ Chân buông lên giường, dép lại nhường, nằm dưới đất…”. Ông yêu cầu học trò cả lớp mình học thuộc những câu thơ này, sau đó bài thơ lan ra cả trường, học sinh đều học thuộc và chuyện mang giày dép đi học ở trường ông được cải tiến hẳn.

Khi dạy học trò, ông luôn nghĩ ra những cách giảng bài mới mẻ khiến học sinh thích thú nhớ lâu bài học nên ông làm ra nhiều câu đố. Dạy về cụ Nguyễn Đình Chiểu, ông đố: “Mắt đui mà dạ sáng lòa/ Dạy bao kẻ sáng biết đâu là nghĩa nhân/ Làm thầy, làm thuốc, làm văn/ Tên ông mãi mãi trăm lần gương soi…”

Nguyễn Ngọc Ký: Góc nhìn riêng ảnh 1

Bao giờ cũng vậy, sự có mặt của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký truyền ngọn lửa nghị lực và sống đẹp đến thế hệ trẻ.

Đến nay, thầy Ký đã viết được hơn 1.500 câu đố và 300 bài thơ cho thiếu nhi. Ông tâm sự ước nguyện của ông từ thời tuổi trẻ cho đến khi về hưu nhiều năm như bây giờ là trở thành nhà văn viết cho trẻ con. Ông bảo mình thích viết cho trẻ con và thích hợp với điều này, bởi viết cho trẻ con luôn làm tâm hồn ông trong trẻo, trong sáng và tràn đầy cảm xúc.

Những góc nhìn riêng đáng giá

Tại buổi giao lưu, một bạn sinh viên sư phạm sắp ra trường đã tâm tư rằng mình và nhiều bạn trẻ khác đang băn khoăn không biết dạy cho học sinh sắp tới thế nào đây vì nhiều bạn trẻ cho rằng viết văn là lừa dối, bởi hiện thực không được như vậy mà người viết văn, học văn, làm văn, dạy văn đều phải nói hay, nói đẹp lên. Thầy Ký đã chia sẻ: “Bây giờ thì học sinh lẫn bạn trẻ đều được khuyến khích nói thật, nhưng cái thật, cái riêng đó phải thuyết phục, phải đủ lý luận để bảo vệ ý của mình. Mặt khác, hiện thực của văn chương là hiện thực được nâng cấp, điển hình, tinh hoa bằng ngôn ngữ, không thể bê nguyên xi hiện thực vào. Đó không phải là sự lừa dối. Người dạy văn cũng như người viết văn đều là những người đi rao giảng cái đẹp, khơi mở tâm hồn, ước mơ, khát vọng nơi người khác. Vậy nên đứng ở góc độ một nhà giáo, tôi nghĩ muốn làm nhà giáo trước hết phải giáo dục chính bản thân mình có đầy đủ nhân cách, tâm hồn và trí tuệ”.

Tại buổi giao lưu, thầy Ký thẳng thắn trao đổi rằng chỉ có 35% nhà giáo hiện nay làm nghề bằng chính niềm say mê nghề nghiệp của mình, còn lại là đều làm nghề để kiếm sống. Một nhà giáo giỏi, một giáo viên dạy văn đúng nghĩa luôn phải tìm ra những góc nhìn khác, những gì mới mẻ, đặc biệt là truyền cảm hứng, cảm xúc đến học sinh. Ông kể, với những câu thơ “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/ Một bàn cờ thế phút sa tay…” trong bài Chạy Tây của cụ Đồ Chiểu, nhiều sách giáo khoa đều phân tích rằng “tan chợ” là thời điểm vừa tan chợ thì tây ập đến nên nghe tiếng súng, còn ông lại cho rằng chỉ vì nghe tiếng súng Tây người dân mới nháo nhác tan chợ, tạo nên cảnh thương tâm, loạn lạc vì giặc giã… Với những góc nhìn riêng của người thầy và khuyến khích học trò có góc nhìn riêng như thế, đến tận bây giờ vẫn có những học trò mấy mươi năm trước lặn lội tìm gặp ông để nhắc lại những bài học xưa.

Hai điểm tựa để chiến thắng số phận

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký nói khi Nick Vujicic đến Việt Nam, ông nhận ra một con người muốn vượt qua số phận cần phải có năm điểm tựa. Trong đó, quan trọng nhất là hai điều, đó là nghị lực để vươn lên khắc phục khó khăn, chiến thắng bản thân; bên cạnh nghị lực sống phải có sự yêu thương khuyến khích của gia đình, những người xung quanh cũng như sự tạo điều kiện của xã hội. Nick Vujicic sẽ không bao giờ thành công nếu anh ta không có một gia đình luôn thương yêu anh và một xã hội luôn tạo điều kiện nâng đỡ người khuyết tật.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm