Nguyễn Ngọc Ký - thầy giáo, nhà văn huyền thoại về đất mẹ

(PLO)- Ông không chỉ là huyền thoại mà còn là tấm gương sáng “tàn mà không phế” cho bao thế hệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc đời thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cảm hứng, truyền lửa cho rất nhiều thế hệ học trò bởi nỗ lực và quyết tâm phi thường. Rạng sáng 28-9, thầy đã xuôi tay về với đất mẹ.

Thầy giáo - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký (1947-2022). Ảnh: TL

Thầy giáo - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký (1947-2022). Ảnh: TL

2 lần được Bác Hồ tặng huy hiệu

Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947, tại huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm bốn tuổi, Ký gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Vượt qua mặc cảm và bằng nghị lực phi thường, Ký đã kiên trì tập viết chữ và làm mọi thứ bằng chân. Ký luôn là học sinh giỏi ở cấp I, cấp II và cấp III.

Năm 1962, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Năm 1963, khi đang học lớp 7, Ký được tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Nam Định) cử đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc và đứng thứ 5, được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu Hồ Chí Minh lần thứ hai. Từ năm 1966 đến 1970, ông học ngữ văn tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, ông trở về quê Hải Hậu, Nam Định làm giảng viên môn ngữ văn. Năm 1992, ông được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Sau đó một năm, thầy Ký cùng gia đình chuyển vào sinh sống và chữa bệnh tại TP.HCM, đồng thời chuyển công tác làm việc tại Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp.

“Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh nhưng có thể thay đổi bản thân cho phù hợp.”

Thầy Nguyễn Ngọc Ký nhắn nhủ sinh viên FSB HCM trong một buổi giao lưu năm 2013

Thầy giáo, nhà văn đầu tiên viết bằng chân

Từ một thầy giáo dạy văn, ông trở thành một nhà văn. Nói về hành trình này, thầy Nguyễn Ngọc Ký nhớ lại: “Đang là học sinh giỏi toán cấp quốc gia, một lần tôi đọc được Thép đã tôi thế đấy, càng đọc càng say mê và chính tác phẩm này cùng nhân vật Paven đã khiến tôi gắn bó với văn chương”.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký còn là tác giả của hơn 30 đầu sách, truyện ký và nhiều câu thơ đố, bài thơ đố dí dỏm, dễ thương cho tuổi học trò như hồi ký Tôi đi học, Tôi học đại học, Tôi đi dạy học cho đến Tuyển tập Câu đố vui tâm đắc, Những tâm hồn trẻ thơ, Tâm huyết trao đời, Những tâm hồn dấu yêu… Ông cũng là người có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học trò như Nặn đồ chơi (lớp 1), Con đường làng (lớp 2), Em thương (lớp 3), Bàn chân kỳ diệu (lớp 4)… Chỉ riêng cuốn hồi ký Tôi đi học đã tái bản hơn 15 lần. Đây cũng là cuốn sách gối đầu giường về gương vượt khó, tinh thần hiếu học của bao thế hệ học sinh Việt Nam.

Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương “Hạt giống tâm hồn” của Việt Nam được vinh danh ở Trung tâm hội nghị White Palace (TP.HCM). Ngoài ra, ông còn là tư vấn viên cho tổng đài 1080…

Cảm ơn thầy vì những cống hiến, tấm gương sáng mà thầy đã mang đến cho các lớp trẻ Việt Nam. Dù đã đi xa, hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng đôi chân mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ học trò Việt Nam.

Theo thông tin từ gia đình, tang lễ của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký được cử hành tại tư gia, số 12 đường 623D khu dân cư Nam Long, phường Phước Long, TP Thủ Đức, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 8 giờ ngày 28-9, lễ động quan được tổ chức lúc 14 giờ ngày 29-9. Sau đó, linh cữu cố Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký được đưa đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên thuộc TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.•

Nhà thơ Phan Trung Thành trong buổi ra mắt hồi ký Tâm huyết trao đời (Tôi dạy học) của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: NVCC

Nhà thơ Phan Trung Thành trong buổi ra mắt hồi ký Tâm huyết trao đời (Tôi dạy học) của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: NVCC

Thầm lặng như đất chỉ biết hy sinh!

Rạng sáng 28-9, trong khi bão Noru hoành hành trên đất liền “khúc ruột miền Trung” khiến đồng bào cả nước quan tâm, lo lắng thì Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - “Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân” đã lặng lẽ qua đời tại TP.HCM, nơi gần 30 năm ông gắn bó.

Nhắc đến ông là nhắc đến một con người đầy nghị lực, không ngừng chiến đấu với bản thân với sự khiếm khuyết đang mang trên mình. Bị liệt cả đôi tay năm lên bốn tuổi, có thể nói cuộc đời 76 năm thì hơn 70 năm tất cả công việc dồn vào đôi chân “huyền thoại”. Ông sinh hoạt trong Hội Nhà văn TP.HCM nên thỉnh thoảng lui tới đây với công việc của một nhà văn cần mẫn, sáng tác, in ấn và công bố tác phẩm đều đặn.

Mỗi dịp xuân về, những ngày đầu năm mỗi khi ghé Hội Nhà văn ông thường tặng các em làm công tác văn phòng một tấm bưu thiếp do ông tự làm lấy. Ông cắt những tấm bìa, rồi bằng đôi chân “nắn nót” từng dòng chữ chúc xuân thật ấm áp. Thỉnh thoảng có vài năm do bệnh mà không đến hội, ông lại cho gửi bưu điện, dán bao thư bên ngoài cũng do ông tự viết. Tôi đã từng cảm thấy rất vui khi nhận được bưu thiếp gửi từ xa. Nội dung những chiếc bưu thiếp như một lời chúc xuân nhẹ nhàng và ấm áp. Đó cũng là một món quà tinh thần cho biết rằng người gửi nhớ đến người nhận. Thông qua mỗi tấm bưu thiếp, tôi lại có cơ hội hiểu biết hoặc hình dung hình ảnh thân quen của một nhà giáo, nhà văn tận tụy.

Ông vẫn giữ nét sinh hoạt mang phong cách cổ điển này trong bối cảnh tin nhắn, thư điện tử đã thịnh hành chỉ cần một cú nhấp chuột, khiến người được nhận có cảm giác hân hoan, ấm áp lan tỏa ngoài cái bưu thiếp “tự chế” ấy. Tôi không biết có bao nhiêu người đã từng nhận bưu thiếp từ đôi chân, từ địa chỉ thân quen của thầy giáo Ký, riêng tôi gần như năm nào cũng có được hạnh phúc ấm áp này thay cho cái bắt tay chúc tụng, thay cho ly rượu mừng xuân. Hay tin ông mất khi tôi đang ở vùng núi cao, thế là đành lỗi đạo với ông, không kịp đến tiễn đưa ông lần cuối.

Ông sinh ra ở Nam Định, 30 năm cuối đời gắn bó với mảnh đất phương Nam, nơi đất lành che chở ông, thầm lặng như đất chỉ biết hy sinh!

Nhà thơ PHAN TRUNG THÀNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm