UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT về tiến độ thực hiện dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Trong đó, UBND TP.HCM cho rằng với bối cảnh hiện nay, khó có thể vận hành tuyến metro số 1 vào năm 2022.
Các gói thầu vẫn chậm tiến độ
UBND TP.HCM cho biết lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án metro số 1 đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt khoảng 91%. Theo kế hoạch đã đề ra là đưa dự án đi vào hoàn thiện trong quý IV-2021. Tuy nhiên, hiện dự án còn gặp một số vướng mắc.
Cụ thể, đối với gói thầu tư vấn, liên danh NJPT đang tiếp tục triển khai thực hiện và đáp ứng yêu cầu công việc đề ra. Khó khăn, vướng mắc là trong thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn chung có kéo dài và phát sinh chi phí.
Đối với gói thầu CPla (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP): Gói thầu do nhà thầu liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco4 đảm nhận, hiện đã đạt khoảng 93,2%, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2021. Đến nay, gói thầu đã quá hạn hợp đồng, nhà thầu đã yêu cầu chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung chi phí phát sinh.
Gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến Ba Son) do nhà thầu liên danh Shimizu - Maeda đảm nhận. Hiện gói thầu đã đạt khoảng 98,6%, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2021. Gói thầu cũng đã quá hạn hợp đồng nên nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung chi phí phát sinh.
Dự án metro số 1 đang gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch
COVID-19. Ảnh: TN
Gói thầu CP2 (đoạn đi trên cao và depot) do nhà thầu liên danh Sumitomo - Cienco6 thực hiện. Đến nay gói thầu đạt khoảng 93,8%, dự kiến cuối năm ước đạt 95%. Khó khăn, vướng mắc là công tác giải phóng mặt bằng chậm 27 tháng so với kế hoạch. Gói thầu này cũng gặp một số sự cố về thi công cục bộ nên nhà thầu khiếu nại và yêu cầu chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện cũng như các chi phí phát sinh.
Gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) do nhà thầu Hitachi thực hiện. Đến nay gói thầu đạt khoảng 73,7%, dự kiến đến cuối năm ước đạt 82%. Khó khăn hiện nay là hồ sơ thiết kế của nhà thầu phải chỉnh sửa nhiều lần làm trễ tiến độ khoảng hai năm.
Điều đặc biệt, cả ba gói thầu trên đều gặp khó khăn, vướng mắc là phải thực hiện điều chỉnh thiết kế.
Ba gói thầu hiện chưa được triển khai thực hiện gồm: CP4 (hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị); xây dựng văn phòng công ty O&M và tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống điện. Chủ đầu tư đang chuẩn bị công tác lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu này.
Hàng loạt lý do ảnh hưởng tiến độ dự án
Theo UBND TP.HCM, để đảm bảo chất lượng quá trình triển khai dự án, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường công trình. Từ đó có cơ sở để yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu rà soát, điều chỉnh trong quá trình thi công.
Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công dự án. Cụ thể, nhân sự tham gia thi công tại công trường giảm mạnh, đặc biệt trong quý II và III-2021.
Các chuyên gia nước ngoài có tâm lý e ngại khi nhập cảnh vào Việt Nam làm việc do đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư. Do đó, các nhà thầu đã đệ trình một số khiếu nại liên quan đến dịch COVID-19 dẫn đến thiếu hụt về nguồn nhân lực và cung cấp vật tư thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, các nhà thầu đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành và bổ sung các chi phí phát sinh do dịch COVID-19.
Theo UBND TP.HCM, việc không thể làm việc trực tiếp với các nhà tài trợ và đối tác nước ngoài đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, kéo dài thời gian giải quyết các vấn đề của các dự án.
Từ các vấn đề trên, sơ bộ đánh giá ban đầu cho thấy việc hoàn thành công tác thi công dự án metro số 1 vào cuối năm 2021, đưa vào vận hành trong năm 2022 là không khả thi.
UBND TP.HCM cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP.HCM tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia của dự án. Đồng thời, Chính phủ cũng có các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc thông thương hàng hóa, thiết bị, vật tư của dự án trong việc vận chuyển nhập cảng và thông quan nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.
Để tiếp tục thực hiện dự án một cách có hiệu quả, UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.•
Cần tránh tình trạng tiếp tục chậm tiến độ dự án PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng dịch COVID-19 ảnh hưởng và tác động đến nhiều lĩnh vực, trong đó có các dự án giao thông. Chính vì vậy, đối với dự án metro số 1, các đơn vị cần đánh giá lại và đưa ra các biện pháp khắc phục. Đến thời điểm này, chúng ta cần làm sao tránh được tình trạng để dự án tiếp tục chậm tiến độ. Một khi dự án chậm tiến độ sẽ gây đội vốn và tác động rất nhiều đến đời sống, kinh tế - xã hội của TP.HCM. |