Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI nhận định, lãi suất huy động trên thị trường đã bật tăng 0,5-1% ở hầu hết ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức vẫn đang ở mức khá thấp. Theo đó, ghi nhận ở mức 4,5% tại 4 ngân hàng hàng thương mại cổ phần nhà nước và 5-5,5% cho các ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác.
Với số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm vượt kỳ vọng. Khả năng chính sách điều hành có thể tập trung hơn vào các yếu tố mang tính ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát và tỉ giá, trong khi lãi suất có thể tiếp tục tăng nhẹ.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, khi lãi suất ở Mỹ cao, giá trị đồng đô la Mỹ tăng, khiến giá trị tiền đồng giảm, làm tăng tỉ giá và gây bất lợi cho nền kinh tế.
Với bất lợi này, việc Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ muốn giảm lãi suất là rất khó. Đặc biệt khi Chính phủ muốn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Để giảm lãi suất cho vay, lãi suất huy động cũng phải giảm, và rủi ro kinh tế phải giảm mới có thể thực hiện được. Do đó, việc giảm lãi suất ở Việt Nam sẽ rất khó khăn khi Mỹ vẫn duy trì lãi suất cao.
Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước lựa chọn giữa việc bình ổn tỉ giá và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nếu muốn bình ổn tỉ giá phải tăng lãi suất, nhưng điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và nguồn cung tiền. Ngược lại, nếu muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu trên 6% trong năm nay thì phải hy sinh tỉ giá.
Không có giải pháp nào vẹn toàn, nên tùy vào từng thời điểm, phải chấp nhận đánh đổi mục tiêu này để đạt được mục tiêu khác.