Nguyễn Quang Sáng và câu chuyện bức thư lưu lạc

Ngay lập tức, ông Giao bảo con trai gọi điện thoại vào TP.HCM nhờ người quen  mang ngay một tràng hoa đến viếng nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Bức thư huyền thoại

Tay run run ông mở chồng báo cũ đã hoen ố. “Đây rồi, bài báo “Xin đưa hồn anh về Tổ quốc” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đăng trên báo Công An TP.HCM ngày 11-10-1989. Còn đây là tập truyện ngắn Mùa gió chướng nhà văn đề tặng tôi đó. Với tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ là ân nhân, bởi nhờ có ông mà vợ tôi hiểu hơn tình cảm của chồng qua những năm kháng chiến mà hơn hết là tấm lòng của nhà văn đối với đồng chí, đồng đội một thời mặc áo lính” - ông Giao bộc bạch.

Năm 1989, nhà văn Nguyễn Quang Sáng được mời sang Mỹ dự một số cuộc hội thảo về chiến tranh. Dịp này, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã đến thăm thư viện Trường ĐH Massachusetts và bắt gặp lá thư của ông Giao gửi cho vợ cùng một số lá thư khác của anh em bộ đội mà lính Mỹ lấy được.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã xúc động, giãi bày: “Khi tôi đứng trước lá thư của Giao, với tôi chiến tranh không phải là hậu quả để tôi nghiên cứu mà chiến tranh đang diễn ra trong tâm hồn tôi. Trước mắt tôi là một đồng đội đang ngã xuống với bức thư chưa kịp gửi”. Trong hành trang trở về nước năm đó, có bản phôtô toàn bộ bức thư của người lính trẻ Trần Ngọc Giao.

Ông Trần Ngọc Giao xem lại bút tích của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đề tặng trên tác phẩm Mùa gió chướng. Ảnh: VÕ QUÝ

Trở về nước, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đăng bức thư lên báo với suy nghĩ ông Giao đã hy sinh trong một lần đối mặt với lính Mỹ và hy vọng qua bức thư này, người vợ của ông Giao ở đâu đó sẽ biết được thông tin. Sau khi bức thư được công bố, đồng đội của ông Giao đọc được, vội báo cho ông Giao (khi ấy đang điều trị bệnh ở Đà Nẵng).

Bộ phim 22 năm sáu tháng

Một năm sau ngày bức thư công bố, ông Giao cùng con trai vào TP.HCM tìm gặp nhà văn tại nhà riêng.

Ông Giao nhớ lại: “Cuộc gặp với nhà văn xúc động lắm. Tôi giới thiệu: “Tôi là Trần Ngọc Giao, tác giả của bức thư mà anh đã mang từ Mỹ về. Giao bằng xương bằng thịt chứ không phải như ý thơ mà anh từng tự bạch “Xin đưa hồn anh về Tổ quốc” đâu”. Nhà văn xúc động đưa tay ôm choàng lấy tôi”. Rồi sau đó câu chuyện của hai người nở như bắp bung về chuyến sang Mỹ bắt gặp lá thư, về những ngày mưa nơi núi rừng Trà My, trong lán lợp bằng lá mây rừng ông Giao viết thư cho vợ mà qua đường giao liên chỉ sau một tuần sẽ đến, ai ngờ nó lưu lạc đến 22 năm sáu tháng.

Rồi tháng 9-2002, câu chuyện bức thư lưu lạc của ông Giao đã được đạo diễn truyền hình - Đài Truyền hình VN Trần Minh Đại phối hợp với Đài PTTH tỉnh Quảng Ngãi làm phim 22 năm sáu tháng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng được êkíp làm phim mời về Quảng Ngãi để tham gia bộ phim.

Bà Huỳnh Thị Cúc, 88 tuổi - vợ ông Giao kể: “Một ông nhà văn và một ông đại tá - nông dân gặp nhau chưa lâu mà thân thiết quá chừng. Hai ông cùng ông đạo diễn ghi hình, quay cảnh trong nhà ra ngoài sân rồi lên tận xã Phổ Nhơn (Đức Phổ), Long Sơn (Minh Long). Hết quay phim rồi phỏng vấn. Phỏng vấn chán, hai ông treo võng dưới cây rồi chuẩn bị một ấm trà, một chai rượu gạo, uống và tâm sự đủ điều”.

Ông Giao chia sẻ thêm: “Không phải riêng tôi, con cháu trong nhà mới gặp nhà văn đã thấy sự gần gũi. Biết ổng là nhà văn nổi tiếng nên cũng định lo tươm tất bữa cơm gặp mặt. Nhưng ổng gạt đi: “Bia, rượu gì. Cứ rượu gạo quê nhà có uống là sướng rồi”. Nói rồi ông cười thoải mái như cái chất vốn có của ông”.

Nhớ thương nhà văn, ông Giao nghẹn lời: “Phải chi ở gần, tui đến thắp cho ông một nén nhang. Còn bây giờ chỉ biết mong ông thanh thản nơi xa khuất. Thế hệ cầm bút, cầm súng của ngày xưa lần lượt ra đi cả rồi…”.

VÕ QUÝ

 

Tiếc thương nhà văn Nguyễn Quang Sáng

10 giờ ngày 14-2, tang lễ nhà văn Nguyễn Quang Sáng được cử hành trọng thể tại Nhà tang lễ thành phố - 25 Lê Quý Đôn (TP.HCM). Đông đảo người thân, bạn bè, văn nghệ sĩ, độc giả… đã đến viếng.

Nhiều đồng chí lãnh đạo thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP.HCM đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình.

Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, đã viết vào sổ tang:

“… Đồng chí Nguyễn Quang Sáng, nhà văn lớn của văn học cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ quả cảm, xuất sắc trên mặt trận văn hóa, nhà văn tiêu biểu vùng đất phương Nam. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi xa nhưng những tác phẩm văn học giàu sáng tạo của anh mãi sống với nhân dân, với dân tộc, với cuộc sống. Những tác phẩm giàu tình yêu quê hương, đất nước, khắc họa cuộc sống, chiến đấu oanh liệt của nhân dân ở vùng Đất lửa, trên Cánh đồng hoang, giữa Mùa gió chướng… Những tác phẩm thật bình dị, chân thật, đầy nghĩa khí như đất và người Nam Bộ mãi là hành trang văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau…”.

Nguyễn Quang Sáng và câu chuyện bức thư lưu lạc ảnh 2
 

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, NSƯT Trần Minh Ngọc bùi ngùi viết những dòng thương tiếc nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ảnh: TRÀ GIANG

Sau khi thắp nén nhang tiễn đưa, đạo diễn Lê Cung Bắc tâm sự: “Những lần được hội ngộ, anh đã để lại trong tôi tình cảm rất sâu đậm. Anh sống rất thực, không màu mè, không phô trương. Cả trong văn và trong cuộc sống, anh luôn tìm thấy điểm tích cực ở người khác. Anh hay nói rằng ở đời không ai không có lỗi, đừng cứ chằm chằm nhìn vào lỗi của người ta. Tâm hồn và cách sống của anh đúng như tên anh - Quang Sáng”.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cho biết trong sự mất mát của gia đình, anh thấy xúc động trước những nghĩa cử tiễn đưa, trong đó có nhiều người đọc trẻ.

Linh cữu nhà văn Nguyễn Quang Sáng quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 10 giờ ngày 14-2. Lễ truy điệu lúc 13 giờ ngày 16-2, sau đó hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

T.MẬN - T.GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm