Ngày 14-8, phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ ăn chặn kỳ nam xảy ra tại Công an huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bước sang phần tranh luận. Trong phần luận tội, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị HĐXX TAND tỉnh này xử phạt Nguyễn Thành Trung (nguyên thượng tá - trưởng Công an huyện Khánh Sơn, phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa) 7-8 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ở tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, VKS đề nghị phạt Nguyễn Hồng Hà (nguyên trung tá, đội trưởng Đội CSGT) 6-7 năm tù, Vũ Anh Trung (nguyên thiếu tá, đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường) từ năm năm sáu tháng đến sáu năm sáu tháng tù, Trần Lệ Kiên (nguyên thượng úy, đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp) 5-6 năm tù. Ngoài ra, VKS cũng đề nghị phạt Luân Văn Nam (ngụ thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) 2-4 năm tù về tội danh này với vai trò đồng phạm.
Bác bằng chứng ngoại phạm của nguyên trưởng công an
Đại diện VKS nhận định: Sau khi biết các cán bộ công an thu giữ kỳ nam do người dân khai thác trái phép, Nguyễn Thành Trung đã ép buộc những người giữ kỳ nam đưa mình đem đi bán để lấy tiền chia nhau.
Tối 27-9-2012, tại quán cà phê GN (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), Nguyễn Thành Trung lấy uy thế, ảnh hưởng của mình để đưa ra tỉ lệ ăn chia với nhóm người khai thác, nhóm công an - huyện đội - nhóm bảo kê. Ngày hôm sau, Trung trực tiếp đem bán đoạn trầm kỳ thứ nhất rồi chia tiền. Sau đó, cũng với thủ đoạn tương tự, Trung đem bán đoạn trầm kỳ thứ hai.
Nguyên trưởng Công an huyện Khánh Sơn Nguyễn Thành Trung (bìa phải) cùng các bị cáo trong vụ ăn chặn kỳ nam nghe đại diện VKS luận tội. Ảnh: TẤN LỘC
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và tại tòa, Trung đều phủ nhận mọi hành vi phạm tội của mình và cho rằng bị truy tố oan sai vì không liên quan gì đến việc mua bán trầm kỳ. Trung đưa ra chứng cứ ngoại phạm là từ 18 giờ đến 22 giờ tối 27-9-2012, bị cáo này nhậu ở quán HQ (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cùng một số cán bộ huyện Khánh Sơn rồi về nhà, không có mặt ở thị trấn Tô Hạp để bàn bạc việc bán kỳ nam, thỏa thuận chia tiền.
Tuy nhiên, VKS cho rằng kết quả điều tra, lời khai của các bị cáo, những người làm chứng đều khẳng định tối đó Trung có mặt tại quán cà phê ở thị trấn Tô Hạp, trực tiếp đưa ra tỉ lệ ăn chia rồi được giao một đoạn trầm kỳ để mang đi bán. Ngoài ra, các nhân chứng khác cũng khai Trung là người bán, chia tiền đoạn trầm kỳ thứ hai. Đại diện VKS nhận định: Từng là thủ trưởng cơ quan điều tra, Trung biết, nhận thức rất rõ việc khai thác trầm kỳ là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đem trầm kỳ đi bán nhằm hưởng lợi cá nhân.
Trưởng công an “lên phương án đối phó” như thế nào?
Trong phần tranh luận, Nguyễn Thành Trung và luật sư của mình tiếp tục dẫn lời khai của ba nhân chứng để cho rằng bị cáo này ngoại phạm, đó là những người xác nhận Trung đến quán nhậu ở TP Cam Ranh khoảng 19 giờ đến 19 giờ 30 ngày 27-9-2012. Trung nói tối hôm đó chỉ ngồi nhậu tại quán trên chứ không đi đâu khác. Trung cho rằng lời khai của các nhân chứng là viện trưởng VKSND huyện, chánh án TAND huyện Khánh Sơn (những người cùng ngồi nhậu với Trung) nói Trung đến quán nhậu muộn là sai.
Đối đáp vấn đề này, đại diện VKS nói: “Đúng là tối 27-9-2012 Trung có mặt ở quán nhậu tại TP Cam Ranh nhưng vấn đề là thời điểm. Sau khi bàn việc bán kỳ nam, thỏa thuận tỉ lệ ăn chia tại huyện Khánh Sơn, Trung mới đến quán nhậu ở Cam Ranh. Sự có mặt này của Trung cho thấy hành vi, thủ đoạn rất tinh vi của bị cáo. Từng là thủ trưởng cơ quan điều tra, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Trung đã có nhiều biện pháp che đậy hành vi của mình, đối phó với cơ quan chức năng. Tại sao trong quá trình điều tra trước đây, Trung không đưa ra chứng cứ ngoại phạm. Mãi sau khi xử sơ thẩm lần đầu, Trung giao nộp các bản xác nhận của nhân chứng. Điều này chứng tỏ bị cáo có sự sắp xếp rất kỹ lưỡng”.
Đại diện VKS cũng dẫn chứng: Dù quan hệ rất thân thiết với nhau nhưng khi giao tiền cho Vũ Anh Trung, bị cáo Trung đã không dùng số điện thoại của mình mà gọi bằng một số lạ.
Bị cáo Trung cho rằng việc đào tìm trầm kỳ là không vi phạm pháp luật, huyện Khánh Sơn không có chủ trương thu giữ trầm kỳ do người dân khai thác. “Nếu truy tố ba cán bộ công an Nguyễn Hồng Hà, Vũ Anh Trung, Trần Lệ Kiên tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì phải truy tố ông Phạm Hồng Sơn, phó Công an huyện Khánh Sơn, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì đã để xảy ra sự việc này” - bị cáo Trung nói. Tuy nhiên, đại diện VKS dẫn nhiều tài liệu để bác ý kiến này.
Tòa tuyên bố nghị án và sẽ tuyên án vào sáng 17-8.