Nhà băng đi tìm người kinh doanh để cho vay

Chỉ riêng trong năm 2016, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM đã cho gần 22.000 khách hàng vay với tổng số tiền lên đến 281.216 tỉ đồng. Con số này tăng đến 60% so với năm 2015 và bằng cả số tiền cho vay, giải ngân của chương trình trong suốt bốn năm qua.

Đây là thông tin được công bố tại hội nghị về chương trình kết nối ngân hàng-DN diễn ra sáng 10-1.

Ngân hàng đi tìm doanh nghiệp

Đánh giá về những con số ấn tượng trên, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nói: “Xuất phát điểm từ một chương trình hỗ trợ vốn cho các DN gặp khó khăn về tài sản thế chấp do sức cầu sụt giảm trong thời kỳ nền kinh tế suy giảm, chương trình kết nối ngân hàng-DN đã góp phần vực dậy sản xuất, kinh doanh ở TP.HCM. Đặc biệt không chỉ dừng lại ở việc giảm lãi suất cho vay, chương trình còn tiến thêm một bước mới là cải cách thủ tục giao dịch về vốn và các dịch vụ ngân hàng, tạo thuận lợi cho DN”.

Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng nhận định hiện nay những vấn đề liên quan đến vốn, lãi suất, tiếp cận tín dụng ngân hàng… thuộc chương trình không còn là khó khăn, vướng mắc chủ yếu của người kinh doanh và ngân hàng nữa. Yếu tố quyết định cho vay hay không ở thời điểm này thuộc về hiệu quả kinh doanh của DN cũng như dự án đầu tư.

Thực tế trước đây DN phải tìm ngân hàng để vay vốn thì nay ngân hàng chủ động tìm DN để cho vay. Đó là sự thay đổi rất lớn trong cách tiếp cận DN của ngân hàng.

Để tiếp tục hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhà kinh doanh, trong năm 2017 chương trình sẽ hướng đến các đối tượng mới chuyển đổi từ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể lên DN và DN mới thành lập.

“Để hỗ trợ cho những hộ sản xuất, kinh doanh mạnh dạn thành lập DN thì đồng vốn tín dụng của ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng” - ông Minh nhấn mạnh.

Ngoài đối tượng trên, nguồn vốn từ chương trình cũng hướng vào các DN khởi nghiệp, sản xuất ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Ảnh: TL

Cần thêm nhiều dịch vụ khác

Đại diện cho các DN, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhận xét niềm tin giữa DN với ngân hàng đã được khôi phục. Đây là giai đoạn rất phấn khởi đối với các DN TP.HCM trên thị trường vốn.

“Hiệu quả của chương trình là điều không còn phải bàn cãi. Bởi hiện có đến 60%-70% vốn của DN Việt Nam là vốn vay nên không có vốn thì nhà kinh doanh lớn hay nhỏ đều không thể hoạt động được. Hơn nữa, các DN bây giờ cũng không than phiền nhiều về lãi suất nữa vì với lãi suất cho vay ngắn hạn dao động 4,15%-6,5%/năm là có thể chấp nhận được” - ông Anh nói.

Tuy nhiên, ông Anh cho rằng điều mà các DN cần ở ngân hàng bây giờ là không chỉ cung cấp dịch vụ tín dụng nhanh cho các ông chủ công ty mà nên tạo thêm các dịch vụ hỗ trợ khác cho nhân viên của các DN để họ có thể mua nhà, mua xe và các nhu cầu khác.

Bên cạnh đó, DN cũng rất cần ngân hàng làm những dịch vụ hỗ trợ thông tin về khách hàng nước ngoài; xác minh tình trạng tài chính của khách hàng là đối tác với các công ty xuất khẩu. Bởi bản thân DN không thể đủ điều kiện để biết hết các thông tin của khách hàng ở khu vực Trung Phi, Nam Mỹ, Trung Đông… nên có khi sập bẫy.

Một số DN khác thì mong muốn ngân hàng công bằng về mặt tín dụng giữa DN lớn và DN nhỏ, đặc biệt là DN khởi nghiệp. Ví dụ, DN vay 100 triệu đồng cũng được đối xử công bằng như với các “ông lớn” vay 1.000 tỉ đồng. Khi đó DN nhỏ có hứng khởi, động lực để phát triển và có niềm tin với ngân hàng.

Trên 241.000 tỉ đồng, 10 triệu USD chờ người vay

Chương trình kết nối ngân hàng-DN do NHNN Chi nhánh TP.HCM phối hợp với Sở Công Thương và các quận/huyện, sở, ban, ngành liên quan thực hiện. Năm 2017 có 16 ngân hàng thương mại cổ phần cùng với ngân hàng nước ngoài (Standard Chartered) tham gia đăng ký gói tín dụng với chương trình, tổng số tiền là 241.101 tỉ đồng và 10 triệu đôla Mỹ. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 7%/năm, trung dài hạn 8%-10%/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới