Nhà băng 'kêu trời' với phí chồng phí, muốn được miễn giảm

Hiệp hội ngân hàng (VNBA) vừa có văn bản kiến nghị Tổ chức thẻ quốc tế Visa, Mastercard về việc miễn giảm các loại phí cho ngân hàng Việt Nam.

 Phí chồng phí

 Hiện chính sách thu phí của các Tổ chức thẻ quốc tế (TCTQT) áp dụng cho các ngân hàng tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu rất lớn. Trung bình mỗi năm, TCTQT Visa và Mastercard thu khoảng 270 đầu phí các loại từ một Ngân hàng, với tổng giá trị các khoản thu đối với các ngân hàng Việt Nam lên tới hàng trăm triệu USD/năm.

Cụ thể, Visa thu 270 đầu phí các loại, trong đó thu mảng thanh toán là 102 đầu phí, thu từ mảng phát hành 135 đầu phí và thu khác là 33 đầu phí.

Còn Mastercard thu 268 đầu phí các loại, trong đó thu mảng thanh toán là 54 đầu phí, thu mảng phát hành 72 đầu phí và thu khác lên tới 142 đầu phí.

Trong cơ cấu phí thu của TCTQT Visa hay Mastercard, phí xử lý giao dịch chiếm khoảng 80% tổng phí thu từ ngân hàng. Phí xử lý giao dịch của các TCTQT bao gồm nhiều loại phí, trong đó TCTQT vừa thu theo số lượng giao dịch và vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng thu phí chồng phí đối với 1 giao dịch.

Ví dụ: trên 1 giao dịch thẻ, TCTQT có thể thu 3-4 loại phí, bao gồm phí cấp phép (authorization), phí thanh toán (settlement), phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, phí dịch vụ và các loại phí khác theo loại giao dịch.

Đối với giao dịch không được cấp phép chuẩn chi, ngân hàng không thu được phí từ đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) nhưng vẫn phải trả phí cấp phép cho TCTQT.

Do đó, có trường hợp ngân hàng phát hành đã gửi các bản tin giao dịch không thành công (Re-attempt) nhưng vẫn phải trả phí xử lý giao dịch đến trên 20 lần so với phí xử lý giao dịch thành công. Điều này là hết sức vô lý.

Mức phí TCTQT áp dụng đối với giao dịch trong nước và tại nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn. Đối với phí thu chiều phát hành, phí thu trên doanh số giao dịch tại nước ngoài cao gấp 10 - 50 lần so với giao dịch trong nước, trong khi phí thu trên số lượng giao dịch đối với giao dịch nước ngoài cao gấp 7-10 lần giao dịch trong nước.

Tương tự, đối với phí thu chiều thanh toán, ngân hàng thanh toán hiện phải trả phí thu trên doanh số giao dịch của thẻ do ngân hàng ngoài Việt Nam phát hành cao hơn từ 10-30 lần so với phí thu của giao dịch thẻ do ngân hàng trong nước phát hành.

Trong khi đó, phí thu trên số lượng giao dịch tương ứng cao gấp 10 lần, đặc biệt đối với giao dịch có giá trị nhỏ, mức phí chênh lệch giữa giao dịch nước ngoài và giao dịch trong nước lên đến 40 lần.

Đối với chính sách thu phí không tuân thủ, các TCTQT đưa ra rất nhiều quy định, trường hợp ngân hàng thành viên không đáp ứng được tỷ lệ này sẽ phải trả 1 khoản phí phạt dựa trên số tháng không tuân thủ, mức phí trung bình khoảng 2.500 USD/tháng (trường hợp ngân hàng phát hành có tỷ lệ dưới mức đạt yêu cầu 0,01% vẫn bị đánh giá không tuân thủ và phải trả phí phạt).

Trong khi đó, doanh số giao dịch thẻ chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, tùy thuộc vào tình hình thị trường trong từng thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc quy định tỷ lệ tuân thủ về báo cáo doanh số giao dịch và áp dụng phí phạt như hiện nay của các TCTQT là rất bất hợp lý. 

Các ngân hàng tại Việt Nam phải gánh tới 270 đầu phí từ Visa và 268 đầu phí từ Mastercard. Ảnh: Internet

Visa, Mastercard "né" trách nhiệm?

Tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh thẻ của các Ngân hàng Việt Nam hiện nay rất lớn, đặc biệt là đối với mảng thanh toán; doanh số thanh toán thẻ quốc tế tính đến hết quý 2-2021 giảm 23% so với năm 2019, trong đó, doanh số thanh toán tại nước ngoài chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch COVID-19, giảm 85% so với năm 2019.

Doanh số thanh toán thẻ trong nước 6 tháng đầu năm 2021 đã sụt giảm từ 50% - 70% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch. Trong khi đó, các ngân hàng Việt Nam vẫn phải trả mức phí rất lớn cho TCTQT.

Giai đoạn 2019-2020, tổng phí thu của các TCTQT Visa và Mastercard đối với các ngân hàng Việt Nam ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm, tương đương khoảng 5.000 tỉ đồng/năm.

Trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, mặc dù Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị các TCTQT xem xét miễn giảm phí ngay từ khi dịch bệnh còn chưa lan rộng như hiện nay, song TCTQT vẫn chưa phúc đáp và không giảm phí cho các Tổ chức tín dụng Việt Nam.

Do đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị các TCTQT cần đơn giản hóa cơ chế thu phí để tránh tình trạng thu phí chồng phí, áp dụng một loại phí đối với một giao dịch tức là chỉ thu theo số lượng giao dịch hoặc doanh số giao dịch.

Chỉ áp dụng 1 mức phí đối với phí xử lý giao dịch rút tiền mặt, không phân biệt theo giá trị giao dịch. Chỉ chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.

Không thu phí phạt đối với trường hợp ngân hàng thành viên không đạt mức báo cáo doanh số quy định do bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Miễn các loại phí phạt không tuân thủ trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đồng thời, giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả Ngân hàng thanh toán và Ngân hàng phát hành (bao gồm cả phí xử lý giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến qua các cổng thanh toán quốc tế).

Bên cạnh đó, triển khai các chương trình tài trợ hoàn phí xử lý giao dịch (processing fee) và giảm 50% phí dịch vụ cho các ngân hàng tại Việt Nam theo nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng của COVID, gồm: đơn vị công, du lịch (nhà hàng, khách sạn, giao thông), lĩnh vực thiết yếu (y tế, giáo dục, siêu thị, tiện ích), thời trang/trung tâm thương mại, điện máy, viễn thông do trong năm 2021, thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Ngoài ra, VNBA cũng đề xuất giảm phí trao đổi (interchange fee) ngân hàng thanh toán phải trả ngân hàng phát hành.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị TCTQT Visa và Mastercard căn cứ vào thực tế trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng xem xét xử lý những kiến nghị nêu trên.

Đồng thời có ý kiến phản hồi chính thức bằng văn bản cho Hiệp hội Ngân hàng trước ngày 10-9-2021 hoặc bố trí lịch làm việc với Hiệp hội Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng Việt Nam vào trung tuần tháng 9 nhằm làm rõ những thắc mắc mà các Tổ chức tín dụng Việt Nam đang yêu cầu tháo gỡ.

Đây không phải lần đầu tiên VNBA đề nghị Visa và Mastercard giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam. Trước đó, 15/4/2020 Hiệp hội ngân hàng Việt Nam từng gửi các TCTQT kiến nghị về việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm