Nhà báo Khashoggi bị giết: Mỹ vào thế khó!

Ba tuần trước, nhà báo Jamal Khashoggi (công dân Saudi Arabia) vào lãnh sự quán nước này ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và không trở ra. Saudi Arabia tuần trước thừa nhận ông Khashoggi chết tại lãnh sự quán nhưng vẫn phủ nhận mình chủ mưu. Tuy nhiên, hai ngày qua liên tục xuất hiện các chứng cứ hướng đến khả năng có bàn tay chính phủ Saudi Arabia trong vụ này.

Dồn dập chứng cứ chống Saudi Arabia

Ngày 22-10, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nói với CNN rằng các nhà điều tra nước này phát hiện một người đàn ông mặc quần áo nhà báo Khashoggi đúng ngày ông bị giết. Và theo đoạn phim an ninh CNN thu thập được, người đàn ông này không những mặc quần áo nhà báo Khashoggi mà còn đeo kính, mang râu quai nón rời lãnh sự quán Saudi Arabia bằng cửa sau. Người đàn ông này được xác định là Mustafa al-Madani, một thành viên đội 15 người từ Saudi Arabia sang để giết nhà báo Khashoggi. Ông Madani 57 tuổi, có chiều cao và hình thể tương đương ông Khashoggi 59 tuổi, có nhiệm vụ cải trang thành ông Khashoggi nhằm đánh lạc hướng điều tra. Thổ Nhĩ Kỳ cho đây là động thái nhằm che đậy cái chết của nhà báo Khashoggi.

Trong khi đó, Reuters dẫn thông tin từ một số nguồn tin cấp cao Saudi Arabia cho biết việc giết nhà báo Khashoggi được thực hiện dưới sự chỉ đạo qua Skype của một nhân vật cấp cao Saudi Arabia. Người này tên Saud al-Qahtani, một trong năm cá nhân bị vua Salman sa thải liên quan vụ giết nhà báo Khashoggi. Theo các nguồn tin của Reuters có khả năng tiếp cận thông tin tình báo và có liên quan đến các thành viên tòa án hoàng gia Saudi Arabia, nhà báo Khashoggi đã ngay lập tức bị nhóm 15 người giữ lại khi vừa vào lãnh sự quán. Nhóm người này là các nhân viên an ninh và tình báo, bay từ Saudi Arabia qua chỉ vài giờ trước đó.

Các nguồn tin tình báo Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với Reuters rằng đoạn băng ghi âm cuộc gọi Skype này đang trong tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan từ chối cung cấp cho Mỹ, nói sẽ công bố công khai với cộng đồng thế giới.

Theo các nguồn tin của Reuters, Saudi Arabia sẽ không dễ dàn xếp chuyện này. Saudi Arabia khó có thể đổ hết tội cho ông Qahtanri mà không khiến người khác đặt câu hỏi về vai trò của thái tử Mohammed bin Salman khi ông Qahtanri là trợ lý hàng đầu của nhân vật này. Nhà báo Khashoggi thường xuyên chỉ trích chính phủ Saudi và thái tử Salman. Còn bản thân ông Qahtani từng nói không bao giờ làm điều gì mà không có sự đồng ý của cấp trên.

Biểu tình trước Nhà Trắng (Mỹ) ngày 19-10, yêu cầu Mỹ trừng phạt Saudi Arabia quanh vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết chết trong lãnh sự quán Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: REUTERS

CIA vào cuộc, Mỹ chuẩn bị trừng phạt?

Nói với Reuters, một số quan chức an ninh phương Tây cho biết tới giờ họ vẫn chưa có được bức tranh toàn cảnh về những gì đã xảy ra với nhà báo Khashoggi. Để làm rõ sự tình liên quan đến nhà báo Khashoggi, ngày 22-10, Giám đốc CIA Gina Haspel lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia điều tra. Nhà báo Khashoggi là thường trú nhân ở Mỹ, làm việc cho Washington Post. Hai trong bốn người con của nhà báo Khashoggi là công dân Mỹ, đang sống ở bang Virginia.

Mỹ đang trong thế khó xử vì Saudi Arabia là đồng minh quan trọng kiềm chế Iran, là nguồn dầu quan trọng và cũng là đồng minh đứng đằng sau kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông không thỏa mãn với những gì nghe được từ Saudi Arabia. Từ sau khi nghe báo cáo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau chuyến sang Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt sau khi Saudi Arabia thừa nhận nhà báo Khashoggi bị giết, thái độ và phát ngôn của ông Trump có phần cứng rắn hơn.

Có hai nhóm đặc vụ Saudi Arabia tham gia vụ giết hại Khashoggi, trong đó một nhóm gồm chín người bay từ Saudi Arabia  tới Istanbul hôm 2-10. Nhóm đặc vụ Saudi Arabia  “lên kế hoạch và thực hiện vụ giết người” được thông báo về chuyến đi tới lãnh sự quán ở Istanbul của Khashoggi một ngày trước đó.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ RECEP TAYYIP ERDOGAN 

Ông Trump nghiêm khắc rằng Saudi Arabia sẽ bị trừng phạt “rất nặng” nếu kết luận cho thấy nước này có trách nhiệm trong cái chết của nhà báo Khashoggi. Ông Trump đề cập đến vai trò của Quốc hội trong các bước đi sắp tới ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Saudi Arabia, nói rằng tổng thống sẽ nghe theo quyết định của Quốc hội. Hiện nhiều nghị sĩ, trong đó có cả các nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu kêu gọi trừng phạt Saudi Arabia. Trước đó ông Trump còn nói không nên kết tội Saudi Arabia khi chưa có chứng cứ rõ ràng và lo ngại việc trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến quan hệ quân sự, ngoại giao hai nước.

Theo USA Today, điều Mỹ cần làm trong vụ này là chấm dứt hỗ trợ quân đội Saudi Arabia, áp trừng phạt lên các cá nhân nước này có vai trò trong vụ giết nhà báo Khashoggi, kể cả thái tử Salman. Một nhóm 20 nghị sĩ lưỡng đảng đầu tháng này đã cùng viết thư gửi ông Trump về chuyện trừng phạt. Cụ thể, nếu thái tử Salman thật sự có vai trò trong vụ việc thì Mỹ cần phong tỏa tài sản ông này trong các ngân hàng Mỹ, cấm ông này giao dịch với Mỹ hay vào Mỹ.

Né chuyện mua bán vũ khí

Ông Trump tuần trước cho biết sẽ không đụng đến chuyện Mỹ mua bán vũ khí với Saudi Arabia. Theo ông, việc này không chỉ làm mất việc làm Mỹ mà còn khiến Saudi Arabia mang tiền sang mua vũ khí của Nga hoặc Trung Quốc. CNNdẫn thông tin từ một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Saudi Arabia sẽ chi 110 tỉ USD để mua vũ khí Mỹ trong vòng 10 năm. Các loại vũ khí Saudi Arabia muốn mua từ Mỹ là xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu chiến, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Và đến nay Saudi Arabia chỉ mới ký thỏa thuận mua và được Quốc hội Mỹ chấp nhận bán khoảng 14,5 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới