Nhà báo Nguyễn Quang Thọ: 'Đánh mất thành ngữ là đánh mất di sản của cha ông'

(PLO)- Nhà báo Nguyễn Quang Thọ lưu ý rằng, thành ngữ - tục ngữ là di sản tiếng Việt do cha ông để lại. Gìn giữ di sản này cũng là đang yêu quý quê hương Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-7, NXB Tổng hợp TP.HCM tổ chức buổi giao lưu, trò chuyện cùng nhà báo Nguyễn Quang Thọ nhân dịp ông vừa ra mắt quyển sách mới, nhan đề “Người Việt nói tiếng Việt” tại Đường sách TP.HCM.

Từ trái sang: PSG.TS. Đặng Ngọc Lệ, nhà báo Nguyễn Quang Thọ và nhà thơ Lê Minh Quốc. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Từ trái sang: PSG.TS. Đặng Ngọc Lệ, nhà báo Nguyễn Quang Thọ và nhà thơ Lê Minh Quốc. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Sự kiện có sự góp mặt của khách mời PSG.TS. Đặng Ngọc Lệ, Trưởng khoa Khoa Xã hội & Nhân văn (Trường Đại học Văn Lang), Nhà văn – Nhà báo Lê Minh Quốc và cùng đông đảo bạn bè, thân hữu, độc giả.

"Người Việt nói tiếng Việt", cuốn sách để sửa lỗi

Người Việt nói tiếng Việt” với hơn 380 trang, tập hợp hơn 600 thành ngữ và tục ngữ được sử dụng hằng ngày nhưng chưa xuất hiện trong các từ điển. Sách gồm 3 chương: Mắt thấy tai nghe, Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, Đánh trống qua cửa nhà sấm. Đầy là công trình nghiên cứu và bàn luận về những thành ngữ xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Tác phẩm "Người Việt nói tiếng việt" của nhà báo Nguyễn Quang Thọ

Tác phẩm "Người Việt nói tiếng việt" của nhà báo Nguyễn Quang Thọ

Về lý do thực hiện quyển sách, nhà báo Nguyễn Quang Thọ cho biết trong một cuộc trò chuyện với nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ đặt vấn đề: “Với cái tuổi thọ như bây giờ, tớ còn sống 20 năm nữa, thế là 20 năm sống, nên sống như thế nào mới có ý nghĩa nhỉ?".

Khi đó, nhà báo như bừng tỉnh, bắt đầu suy nghĩ đăm chiêu về những mục tiêu cần làm để tạo dựng những ý nghĩa mới trong cuộc sống. Nhận thấy có nhiều thành ngữ, tục ngữ sử dụng trong sinh hoạt giao giao tiếp chưa được giải thích thỏa đáng, gây ra nhiều nhầm lẫn cho người dùng như: Nhạt như nước ốc ao bèo, trên bảo dưới không nghe, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ…ông bắt tay vào nghiên cứu.

Nhà báo Nguyễn Quang Thọ chia sẻ tại buổi giao lưu, ra mắt sách

Nhà báo Nguyễn Quang Thọ chia sẻ tại buổi giao lưu, ra mắt sách

"Khi bắt đầu vào công việc này thích quá đi chứ, dù sao mình cũng tương tác khá nhiều với từ điển, trước kia có làm thêm luận văn so sánh thành ngữ, tục ngữ tiếng Đức với tiếng Việt. Cho nên khi soạn quyển này, mình hy vọng bằng vốn kiến thức cá nhân và kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ giải thích những vướng mắc cho thành ngữ, tục ngữ bị bỏ sót và hiểu nhầm" - ông cho hay.

"Cuốn sách ra đời sẽ chịu cái sự phán xét của độc giả. Tôi cũng không được giỏi giang gì như người khác, nhưng tôi tự tin mình là người Việt và đã học đúng tiếng mẹ đẻ" – nhà báo Nguyễn Quang Thọ chia sẻ.

Dành hết tình yêu cho con chữ

Nhà báo Nguyễn Quang Thọ đã có hàng chục năm phụ trách công việc liên quan đến con chữ. Ông từng làm biên tập sách ở NXB Thanh Niên, sau chuyển qua công tác tại Tập san Văn hóa và Đời sống, Báo Yêu trẻ..., cho nên nói không ngoa, cuộc đời của Nguyễn Quang Thọ là hành trình gắn liền mật thiết với con chữ.

Ông cho biết đã dành 10 năm biên soạn tập sách chứa đựng 600 thành ngữ, tục ngữ. Dung lượng đồ sộ đến thế nhưng chất lượng quyển sách không hề làm thất vọng người đọc.

Trong sách, nhà báo đào sâu vào các thành ngữ bị hiểu lệch nghĩa, thậm chí nhạy cảm ít dùng đến, ngõ hầu giúp người đọc khám phá thêm sự đa tầng của ngôn ngữ dân tộc.

Bên cạnh việc giải thích những câu từ bình dân có từ thời xa xưa, trong quyển sách còn bổ sung cho người đọc những ngôn ngữ mới xuất hiện gần đây: Quê một cục, thở ôxy, liều ăn nhiều, ngon nhức nách…gây hứng thú cho những độc giả tuổi teen.

Đôi lúc, tác giả còn mạnh dạn nêu lên quan điểm cá nhân về thể loại thành ngữ, vẫn đang gây tranh cãi trong giới nghiên cứu ngôn ngữ học, cho thấy công trình này có xu hướng đi sâu vào lãnh vực chuyên môn của các nhà ngôn ngữ học.

Đông đảo bạn bè báo chí đến với buổi giao lưu

Đông đảo bạn bè báo chí đến với buổi giao lưu

Ngôn ngữ có chức năng diễn đạt tất cả mọi suy nghĩ, cảm xúc; thể hiện niềm vui, nỗi buồn, sự hài lòng hay tức giận. Đôi khi chỉ một câu chữ hay một cử chỉ ngôn ngữ nhỏ cũng có thể chứa đựng hàng trăm cảm xúc khác nhau. Chính vì điều đó mà trong khi biên soạn quyển sách, nhà báo Nguyễn Quang Thọ muốn gửi gắm đến người đọc ý nghĩa “Tiếng Việt là cái tình cảm của mình, là mạch sống của dân tộc”, cho nên khi làm công tác nghiên cứu, ông quan niệm mình đang giữ gìn vốn liếng của cha ông.

"Nếu không tìm hiểu rõ thành ngữ-tục ngữ là chúng ta đã đánh mất một di sản. Tiếng Việt là di sản của cha ông. Đánh mất thành ngữ là đánh mất di sản của cha ông" – ông khẳng định.

PGS.TS. Đặng Ngọc Lệ, người từng hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho nhà báo NGuyễn Quang Thọ, đánh giá về quyển sách: "Tôi xin nói đôi lời, trước hết anh Thọ là một người yêu tiếng Việt, cần cù chịu khó nghiên cứu tiếng Việt. Những ví dụ anh Thọ đưa ra trong sách rất hay.

Bằng trải nghiệm, anh đã nới rộng sự hiểu các thành ngữ một cách xuất sắc, làm giàu kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt nhiều hơn. Tôi cho rằng đó là công sức rất lớn của anh Nguyễn Quang Thọ".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm