Có lần cao hứng ông bảo các HLV cho chia làm hai đội hình để xem tụi nhỏ đá cho sướng. Việc làm đấy bị chính chuyên gia người Pháp “phát hiện” và vội can thiệp bằng cách buộc đám trẻ trở lại bài tập kỹ thuật với chân không vì chưa tới tuổi và cũng chưa phải giai đoạn được thi đấu.
2. Mới hơn một năm kể từ ngày rời phố núi xỏ giày đi đá giao hữu và đá giải, lứa cầu thủ của bầu Đức lập tức tạo ngay hiệu ứng tốt bởi lối chơi và nền tảng kỹ thuật bài bản. Họ là nòng cốt của U-19 Việt Nam dù chưa có chức vô địch nào nhưng những gì họ thể hiện đã được người hâm mộ đón nhận. Lập tức những nhà lãnh đạo bóng đá không nuôi, không hỗ trợ và cũng chẳng tư vấn gì cho lứa cầu thủ này cũng “ôm” vào cùng lời ví von: “Nhà có bốn người con, ba đứa đầu hư hỏng, suốt ngày đua đòi ăn chơi trong khi đứa út ngoan ngoãn, học giỏi, đỗ đại học Harvard... thì tại sao không đầu tư để nó phát triển…”.
3. Hôm qua thì hai đứa nhỏ nhất trong ngôi nhà có bốn con thi đấu ở Cần Thơ. Một trận đấu lẽ ra chỉ là anh em dạy bảo, truyền đạt kiến thức cho nhau. Thế nhưng đâu đó vẫn xuất hiện sự yếm thế của người anh ít được cha mẹ ngó ngàng đến.
Một trận đấu thể hiện rất rõ hai thái cực giữa trường đời và trường học khiến nhiều lúc căng như dây đàn. Mừng với thằng út được học ĐH Harvard nhưng cũng thấy rất lo với kiến thức ở đại học danh giá khi được ứng dụng ở môi trường chưa hoàn thiện mà trường đời phải đối mặt với nhiều thứ. Cái giẫm lên tay của người anh kế với thằng út có thể là không cố tình nhưng sự bất bình lẫn ức chế bởi cách cha mẹ “dạy con” là có thật.
4. Đến giờ thì phải thừa nhận những tháng ngày tiếp theo của các cầu thủ U-19 sẽ không bình lặng. Chưa ra đời thực sự nhưng các em đã phải làm quen với sự nổi tiếng như những nghệ sĩ Hàn Quốc đi đâu cũng bị vây kín. Học viện nổi tiếng như Arsenal JMG cũng không lường trước được sức hút của U-19 trong một nền bóng đá mà “ba người anh” còn bị ví von là “hư hỏng”. Trong khi đó thì các cầu thủ U-19 có lúc lại trở thành nạn nhân của chính những người làm cha làm mẹ. Truyền thông “bơm” họ lên quá và “người lớn” cũng bắt họ phải “phục vụ” ở trong lẫn ngoài sân bóng nhiều quá. Thậm chí là sắp tới một số em còn phải đi đá giải sinh viên châu Á. Sao không ai thương những đôi chân mỏi đã cố hết sức ở đủ mọi sân chơi?
Tôi rất tâm đắc với nhà báo Hàn Đàn của TT&VH khi ví các cầu thủ U-19 bị vắt kiệt sức như một “gánh xiếc rong” đang hút khách.
Từ nỗi lo trên, mong “người lớn” và mọi giới hãy trả lại cho các em U-19 sự hồn nhiên và phát triển tự nhiên của chính họ, thay vì phải làm thành viên tiêu biểu được trọng dụng trong gia đình có bốn con.
NGUYỄN NGUYÊN