Nhà đầu tư chứng khoán đã đến lúc 'chơi tất tay'?

Xu hướng giảm ngắn hạn của thị trường chứng khoán trong nước vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Đó là dự báo chung của các chuyên gia phân tích thị trường tại các công ty chứng khoán về tuần giao dịch tiếp theo, từ ngày 19 đến ngày 23-7. 

Đóng cửa tuần từ ngày 12 -16/7, chỉ số VN-Index rơi về mức 1.299.31, giảm 3.55% so với tuần trước, còn HNX-Index đạt mức 307.76, tăng 0,34% so với tuần trước.

Hầu hết nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đều ghi nhận mức giảm mạnh, đặc biệt là nhóm ngân hàng với các mã như BIDV (mã BID), Techcombank (TCB), Vietcombank (VCB), VPBank (VPB)… và nhóm Vinhomes (VHM), Tập đoàn Vingroup (VIC).

Cùng với đó, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong nước cũng làm gia tăng lực cung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và khiến cho chỉ số đi xuống sâu hơn. 

VN-Index đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Kể từ khi chỉ số VN-Index cán mốc cao nhất trong lịch sử giao dịch, khi đạt trên mức 1.420 điểm vào ngày 2-7, sau 10 phiên, trải qua nhiều cơn “ác mộng” với hàng loạt phiên lao dốc, giằng co khiến VN-Index đến nay đã mất khoảng 128 điểm.

Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 12-7, VN-index có lúc giảm sâu tới 76 điểm. Xét về mức thiệt hại tính theo giá trị tuyệt đối thì đây là mức giảm kinh hoàng nhất của VN-Index trong lịch sử thành lập thị trường.

Với chuỗi phiên giảm nhiều hơn so với phiên phục hồi trong hai tuần qua thì câu hỏi lớn nhất được hầu hết nhà đầu tư quan tâm lúc này là: Liệu thị trường chứng khoán với VN-Index đã chạm đáy, và nhà đầu tư đã đến lúc dốc hết hầu bao chưa?

Theo các chuyên gia phân tích thị trường của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối tiêu cực, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều giảm trong tuần vừa qua.

Dù chỉ số cho phản ứng hồi phục tích cực sau khi thử thách ngưỡng 1.270 điểm nhưng tâm lý nhà đầu tư đã trở nên bi quan hơn một cách rõ rệt so với những tuần trước. Điều này thể hiện qua thanh khoản giảm sút và lực cầu bắt đáy suy yếu dù giá nhiều cổ phiếu đã giảm khá sâu.

Tương tự, Công ty chứng khoán MBS cũng cho rằng hiện tại các chỉ số đang tạm thời bước vào xu hướng giảm ngắn hạn. Trước mắt, nhà đầu tư không nên giải ngân với tỷ trọng lớn trong bối cảnh chỉ số chung vẫn chưa có tín hiệu xác nhận thoát ra khỏi xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán Đông Á nhận định xu hướng giảm ngắn hạn của thị trường chưa kết thúc dù đã có hai phiên hồi phục kỹ thuật, biên độ dao động nhỏ và khối lượng giao dịch thấp cho thấy chưa kích thích được bên mua, các lệnh bắt đáy đang ở trạng thái lãi lỗ nhẹ nên cũng không có áp lực bán ra trong ngắn hạn.

Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ còn xuất hiện nhịp hồi phục và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng 1.312 – 1.315 điểm.

Điểm tích cực là lực cầu ngắn hạn có chiều hướng gia tăng tại các mức giá thấp, nhưng thanh khoản vẫn thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Do đó, nếu nhịp hồi phục mạnh duy trì trong phiên kế tiếp thì cầu giá cao có thể cải thiện tích cực hơn. 

“Trong ngắn hạn thị trường chứng khoán chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ và quan sát thị trường, hạn chế mua đuổi khi chỉ số VN-Index hồi phục mạnh về vùng 1.312 – 1.315 điểm” - Yuanta Việt Nam cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới