Đây là ý kiến của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc phụ trách EVN, tại cuộc họp báo công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30-11.
Ông Tri cho biết để giải quyết vấn đề cung ứng điện trong bối cảnh nguồn than khó khăn như hiện nay, EVN đề xuất phương án lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, sân vườn tại các hộ gia đình. Việc này sẽ giúp ngành điện không phải đầu tư kinh phí vào khâu truyền tải, các hộ gia đình chủ động được nguồn điện, giảm phụ thuộc vào lưới điện của EVN. Từ đó EVN sẽ cân đối lượng điện cho khu vực miền Nam. Thậm chí theo ông Tri, người dân có thể sản xuất điện và bán lại cho EVN nếu không dùng hết.
Về tình hình cung cấp điện năm 2019, lãnh đạo EVN khẳng định cả nước không thiếu điện. “Tôi khẳng định 2019-2020 chúng ta không thiếu điện, công suất vẫn có thể đảm bảo. Vấn đề là chúng ta vận hành nguồn điện nào, với giá nào thôi” - ông Tri nói.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ Công Thương cho biết giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 là 1.667 đồng/kWh (tăng 0,15% so với năm 2016), doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954 tỉ đồng. Tổng lãi hoạt động kinh doanh điện của EVN trong năm 2017 là 2.792 tỉ đồng.
Ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), lý giải tình hình thủy văn năm 2017 tác động làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh điện. Tuy nhiên, một số yếu tố chủ yếu làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh điện như giá than tăng bình quân khoảng 5,7%, giá dầu tăng 21%-32% so với năm 2016; tỉ giá USD/VND cũng tăng so với năm 2016.
Dù EVN kinh doanh có lãi nhưng ông Quang cho biết vẫn còn trên 5.000 tỉ đồng chưa được tính vào giá thành sản xuất điện năm 2017. Ngoài ra còn các khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước chưa được tính vào giá điện.