Nhà hát 200 tỉ đồng lợp tôn làm 'nóng' kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận

(PLO)- Công trình sử dụng thiết kế cũ từ năm 2007 nhưng vẫn được duyệt, dẫn đến sửa đổi thiết kế nhiều lần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-7, kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã khai mạc, ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Bình Thuận sẽ thảo luận, thông qua 23 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh và hoạt động của HĐND tỉnh.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình Thuận. Ảnh NT.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình Thuận. Ảnh NT.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, 6 tháng đầu năm 2023, Bình Thuận tổ chức các chuỗi sự kiện, hoạt động như Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và hai tuyến đường bộ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác, sử dụng.

Những thuận lợi này đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy các hoạt động giao thương hàng hóa, thương mại, dịch vụ, vận tải, bất động sản, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đến Bình Thuận, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá cao so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước; quý I/2023, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 9,86% (xếp thứ 2/63 địa phương); 6 tháng đầu năm 2023 GRDP tăng 7,76% (xếp thứ 11/63 địa phương).

Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo tại kỳ họp. Ảnh NT.

Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo tại kỳ họp. Ảnh NT.

Đặc biệt, ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng nhanh. Toàn tỉnh đón hơn 4,4 triệu lượt khách (tăng 86,36% so với cùng kỳ năm 2022), doanh thu đạt 11.348 tỷ đồng (gấp 2,52 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Trong phần thảo luận, đại biểu Trần Văn Hải, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, công trình nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng là một trong tám công trình trọng điểm của tỉnh, góp phần thay đổi cảnh quan kiến trúc của TP Phan Thiết. Tuy nhiên đến nay đã 7 năm vẫn chưa thi công xong.

“Công trình khởi công từ tháng 11-2019 với thời gian thực hiện 16 tháng, lẽ ra đã hoàn thành từ tháng 3-2021; UBND tỉnh đã phải gia hạn 2 lần nhưng đến nay nhiều gói thầu, hạng mục vẫn còn dang dở và tiếp tục điều chỉnh thiết kế. Khả năng hoàn thành công trình này vào cuối năm 2023 theo chỉ đạo của tỉnh là khó có thể thực hiện được”, ông Hải khẳng định.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tọa kỳ họp.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tọa kỳ họp.

Theo ông Hải, công trình này đã được báo chí và cử tri rất quan tâm và việc thi công kéo dài đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

“Đến nay chưa có cơ sở để đánh giá thất thoát của công trình nhưng lãng phí trong xây dựng cơ bản là hiện hữu mà ai ai cũng thấy trước mắt”, ông Hải nói.

“Tôi kiến nghị Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Ban Kinh tế Ngân sách tiếp tục giám sát việc thực hiện các công trình trọng điểm trong đó có công trình nhà hát. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công đã để xảy ra chậm trễ và kéo dài. Kiên quyết yêu cầu các bên phải cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình…”, ông Hải nêu.

Nhà hát hơn 200 tỷ. Ảnh PN.

Nhà hát hơn 200 tỷ. Ảnh PN.

Giải trình về việc vì sao công trình này chậm trễ, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, công trình đã dừng 3 lần để xử lý kỹ thuật. Một lần do dịch COVID-19 với tổng số thời gian tạm dừng 29 tháng. Trong đó còn phải thay đổi mái tôn do không đảm bảo với khí hậu, thời tiết ở Bình Thuận.

“Sử dụng thiết kế cũ rất ảnh hưởng do mất thời gian xử lý trong khi Sở VHTT&DL không có kiến thức về vấn đề này còn đơn vị tư vấn, thi công thì yếu kém. Chúng tôi mong các đại biểu thông cảm và sẽ cam kết xây dựng đúng tiến độ và sẽ cố gắng điều chỉnh nhưng không phát sinh tổng mức đầu tư”, ông Nhân hứa.

Ông Nguyễn Hoài Anh điều hành phiên thảo luận.

Ông Nguyễn Hoài Anh điều hành phiên thảo luận.

Làm rõ thêm vấn đề này, ông Phan Dương Cường, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, công trình này báo chí đã phản ảnh, góp ý rất nhiều lần bởi sử dụng mái tôn ở thành phố biển là không phù hợp.

“Đây là công trình mà UBND tỉnh đã phải gia hạn 3 lần chứ không phải 2 lần và chậm, không xong là do lỗi thiết kế. Tôi đề nghị Sở VHTT&DL nên làm việc với đơn vị thiết kế để khắc phục các tồn tại; phải có kế hoạch, thời gian hoàn thành cụ thể”, ông Cường đề nghị.

Công trình nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận từ khi chuẩn bị khởi công, PLO đã nhiều lần phản ảnh bởi có rất nhiều ý kiến trái chiều khi sử dụng lại thiết kế từ 12 năm trước (2007) và sát biển nhưng lại lợp tôn, bắn vít.

Thiết kế này vừa mất thẩm mỹ, vừa nhanh hư hỏng do đặc thù khí hậu địa phương là miền biển trong khi đây là công trình vĩnh cửu.

Đó là chưa nói tới mái tôn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến âm thanh của nhà hát. Các kiến trúc sư ở Phan Thiết cũng cho rằng đối với công trình là nhà hát thì ngoài thiết kế, vị trí, công năng, ý nghĩa truyền tải về mặt kiến trúc đối với người dân địa phương và du khách là hết sức quan trọng.

Do đó, họ đều đề nghị UBND tỉnh hết sức thận trọng, tính toán toàn diện khi sử dụng thiết kế cũ, vật liệu sẽ xung đột với khí hậu và cả vị trí của công trình văn hóa này. Tuy nhiên sau đó công trình này vẫn được khởi công.

Được biết, những cảnh báo mà trước đây mà dư luận quan tâm như mái lợp tôn bắn đinh vít hiện nay phải điều chỉnh thiết kế lợp mái, bổ sung vật liệu để che các khoảng hở giữa các lớp mái với tường để tránh mưa tạt vào và bổ sung xà gồ thay đổi từ bắn vít sang bắt ngàm của mái tôn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm