Với các quốc gia, TP phát triển, nhà hát giao hưởng chính là bộ mặt, là niềm tự hào. Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) gồm ba bộ môn: Giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch với gần 120 nghệ sĩ được đào tạo bài bản. Đây là nguồn vốn quý của TP. Thế nhưng tập thể đó vẫn chưa có một nhà hát, thậm chí một điểm diễn, điểm tập cố định.
Tập múa sợ đụng quạt trần!
Hiện nay, HBSO có rất nhiều nơi để tập nhưng không nơi nào đúng nghĩa là sàn tập. Ba đoàn giao hưởng, vũ kịch, nhạc kịch đang phải xé lẻ ra ở các điểm: Rạp Thanh Vân gồm phòng tập giao hưởng, nhạc kịch và kho nhạc cụ (đầu tư 47 tỉ đồng); một phòng tập cho đoàn vũ kịch ở trường Múa; văn phòng của HBSO thì đặt tại Cơ sở 2 của Sở VH-TT&DL; riêng tầng hầm của Nhà hát TP.HCM được giao cho HBSO để sửa chữa chứa nhạc cụ nhưng vẫn còn chờ ý kiến của Sở.
Những địa điểm tập tạm thời này không đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu để các nghệ sĩ tập luyện. Trần phòng thấp, trong quá trình tập, các nghệ sĩ múa sợ nhất là tay đụng quạt trần, bởi khi múa rất nhiều cảnh cần nâng diễn viên. Rạp Thanh Vân chỉ có một phòng tập dành cho cả dàn nhạc và hợp xướng, hai đoàn phải luân phiên nhau. Mỗi ngày dàn nhạc sẽ tập từ sáng đến 12 giờ trưa, sau 12 giờ trưa là dàn hợp xướng.
Theo NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, âm thanh của phòng tập khác với âm thanh của phòng diễn nhưng có những buổi diễn các nghệ sĩ chỉ tập ở rạp Thanh Vân và ra diễn mà không được tập tại Nhà hát TP.HCM. Cảnh trí cho nhạc kịch đầu tư công phu nhưng diễn xong lại không có kho cất giữ. “Cứ diễn xong lại phải dọn khỏi sân khấu hết, cảnh trí mất hết, chúng tôi cứ nghĩ như mình đang xây nhà trên cát” - NSƯT Trần Vương Thạch buồn bã.
Hội trường Diên Hồng cũ rất phù hợp cho mô hình Philharmonic Hall của nhạc giao hưởng nhưng bị sử dụng sai chức năng thành Sở Giao dịch chứng khoán và đang có nguy cơ bị đập bỏ. Ảnh tư liệu
Kiến trúc của hội trường Diên Hồng cũ là phù hợp nhất
Trong buổi giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM về chuyên đề Thiết chế văn hóa thành phố, diễn ra tuần qua, giám đốc HBSO đã đề xuất giao hai cơ sở sẵn có của TP là Nhà hát TP, nơi thích hợp cho loại hình nhạc kịch, vũ kịch và trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán hiện tại (Hội trường Diên Hồng cũ), phù hợp kiến trúc của nhà hát giao hưởng.
“Sở Giao dịch chứng khoán rất phù hợp để làm thành một phòng hòa nhạc giao hưởng (mô hình Philharmonic Hall). Bởi thiết kế của Hội trường Diên Hồng đúng kiến trúc của nhà hát giao hưởng với phần mái vòm acoustic và không có cánh gà. Đây là điều kiện quyết định yếu tố hội tụ âm thanh trong nhạc giao hưởng. Ngay cả kiến trúc của Nhà hát TP.HCM hiện tại cũng chưa phù hợp với giao hưởng do nhà hát có hai cánh gà, mỗi lần diễn chúng tôi phải che chắn phần cánh gà để âm thanh không bị loãng.
Chúng tôi được biết đang có dự án phá bỏ tòa nhà này. Nếu là sự thật, TP sẽ mất đi một kiến trúc nhà hát không thể thay thế được. Tại châu Âu, nhất là Ý, người ta rất quý những kiến trúc mô hình Philharmonic Hall và dù có xây nhà hát lớn cũng không thể thay thế những phòng hòa nhạc nhỏ như thế” - NSƯT Trần Vương Thạch đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, cũng ý kiến: “Nhà hát phải thêm chứ không thể bớt. Tôi nghĩ rằng nhà hát ở Thủ Thiêm cứ xây nhưng nếu được, các cấp có thẩm quyền nên xem xét giao lại trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán cho HBSO. Tôi cũng rất ủng hộ kiến nghị sử dụng thêm Nhà hát TP đã có sẵn”.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, thừa nhận lỗi của lãnh đạo TP là chưa quan tâm đến thiết chế văn hóa trong một thời gian dài. “Tuy nhiên, với HBSO, chúng ta chưa có một thì đừng đòi hai, dứt khoát phải xử lý Nhà hát TP.HCM trước. Riêng với trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán thì rất khó bởi người ta đang hoạt động. Có chăng chúng ta đề xuất để nguyên trạng, không cho xây dựng, sửa chữa để sau này nếu Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có địa chỉ khác thì giao lại cho HBSO” - ông Hùng nói.
Hai lần quyết vẫn chưa có chỗ Năm 1999, HBSO đã được TP.HCM cho phép xây dựng nhà hát ở vị trí Công ty Xổ số kiến thiết. Đến tháng 7-2004, các bên liên quan mới thống nhất hoán đổi và nhà hát đã triển khai làm thiết kế ở vị trí này. Một buổi tập của dàn nhạc giao hưởng tại rạp Thanh Vân. Ảnh: QUỲNH TRANG Tuy nhiên, tháng 5-2009, UBND TP lại quyết định chuyển nhà hát về Công viên 23-9. Nhà hát lại làm bản vẽ mới. Thế rồi từ năm 2010 đến nay, UBND TP.HCM lại chỉ đạo lập một đề án mới trình UBND chuyển địa điểm xây dựng nhà hát sang Thủ Thiêm. |
QUỲNH TRANG