Nhà nghiên cứu Văn hoá Ngô Hương Giang: 'Khán giả cần sự cầu thị và sửa sai ở Xuân Bắc'

(PLO)- Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang cho rằng khán giả không cần sự xin lỗi ở Xuân Bắc, nhưng rất cần một sự cầu thị và sửa sai ở anh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày vừa qua, câu chuyện “Cái tát của mẹ” của NSƯT Xuân Bắc đã trở thành vấn đề nóng được bàn luận khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Theo đó, vào mùng 2 Tết Quý Mão 2023, NSƯT Xuân Bắc đã đăng tải câu chuyện nói về người con chê bánh chưng Tết mẹ nấu không ngon, từ đó dẫn đến việc anh ta bị mẹ "tát lật mặt" trong bữa ăn tất niên, anh ngụ ý mắng những người chê Táo quân giống như người con trai không biết gói bánh chưng "năm nào cũng chê bánh chưng mẹ mình gói, dù vẫn ăn "tụt lưỡi".

NSƯT Xuân Bắc trong Táo quân 2023. Ảnh: VFC

NSƯT Xuân Bắc trong Táo quân 2023. Ảnh: VFC

Trước câu chuyện ngụ ngôn ẩn ý, nhiều khán giả cho rằng nghệ sĩ trịch thượng và thiếu văn minh khi đáp trả những người chê bai chương trình Táo quân 2023, ví họ như người con vô ơn trong câu chuyện.

Trước những chỉ trích, tranh cãi, PLO đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang để nghe anh chia sẻ về những vấn đề xoay quanh câu chuyện đang được dư luận quan tâm.

. Phóng viên: Câu chuyện "Cái tát của mẹ" của NSƯT Xuân Bắc đang gây bức xúc trên MXH, ngay cả anh cũng đã bình luận là nam nghệ sĩ sai. Vậy theo anh NSƯT Xuân Bắc sai như thế nào?

+ Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang: Thứ nhất, Xuân Bắc là một nghệ sĩ, anh ấy cần giữ cho mình chuẩn mực trong ứng xử của một nghệ sĩ. Việc bóng gió khán giả là "ăn cháo đá bát" khi khán giả đưa ra những góp ý, phê bình với chương trình Táo quân không chỉ xúc phạm khán giả, mà còn cho thấy văn hóa ứng xử của nghệ sĩ này có vấn đề.

Thứ hai, giả sử khán giả có chê, có phê bình, góp ý chưa đúng, chưa thỏa đáng thì với vai trò là một nghệ sĩ của công chúng anh cần tiếp thu và có những lời giải thích phù hợp để khán giả hiểu hơn. Đó là chưa bàn đến việc khán giả phê, chê đúng những lỗi lớn mà Táo quân 2023 đang mắc phải như nhạt ý tưởng, có dấu hiệu hài nhảm nhí và đặc biệt ngôn ngữ thể hiện có đôi chỗ dung tục, tầm thường. Một chương trình lớn, có bề dày thời gian, được khán giả trông đợi suốt cả năm không nên có những lỗi sơ đẳng như thế!

Thứ ba, coi thường khán giả. Xem khán giả như không tồn tại!

. Nhiều khán giả cho rằng nam nghệ sĩ trịch thượng, xem mình là trung tâm. Tuy nhiên nhiều khán giả lại cho rằng đây là sự bộc phát lúc tức giận. Anh có nghĩ khán giả nên có một sự nhìn nhận kĩ càng hơn đối với câu chuyện?

+ Câu chuyện "Cát tát của mẹ" được Xuân Bắc viết dưới dạng ngụ ngôn, ẩn dụ nghĩa là nghệ sĩ này hiểu được đích của câu chuyện nhắm đến ai và nhắm đến đâu? Đó phải là một diễn biến tâm lý có tính toán chứ không thể nói là bộc phát được.

Mặt khác đã là nghệ sĩ của công chúng thì nhất cử nhất động của anh đều được công chúng nắm bắt, nên càng không thể có chỗ cho sự bộc phát. Vì nơi Xuân Bắc đăng bài là mạng xã hội, sức lan tỏa của mạng xã hội là rất lớn, rất nhanh. Việc khán giả phản ứng cho thấy khán giả đủ thông minh và tỉnh táo để cảm, để hiểu ý nghĩa câu chuyện ngụ ngôn của Xuân Bắc là gì?

Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang. Ảnh: NVCC

Nhà nghiên cứu văn hoá Ngô Hương Giang. Ảnh: NVCC

. Là người theo dõi câu chuyện này, theo anh, Xuân Bắc nên có xử lý cần thiết ra sao thay vì im lặng đến hiện tại, dù chúng tôi đã cố gắng liên lạc rất nhiều lần?

+ Im lặng hay hành động là quyền của Xuân Bắc, chúng ta không thể bắt anh ấy theo ý chúng ta được. Tuy nhiên là nghệ sĩ lớn, tôi tin rằng Xuân Bắc sẽ hạ cái tôi, giảm bớt cái ảo tưởng của mình xuống để tìm cho mình một lối đi, một con đường đúng đắn để không chỉ bảo vệ thanh danh, sự nghiệp còn lại của mình mà còn là bảo vệ danh dự cho cả gia đình nữa!

Khán giả không cần sự xin lỗi ở Xuân Bắc, nhưng rất cần một sự cầu thị và sửa sai ở anh!

. Nhiều ý kiến cho rằng từ sự trịnh thượng, xem thường khán giả của Xuân Bắc thì vấn đề "phong sát" nghệ sĩ lại trở nên cấp thiết. Anh có suy nghĩ sao về điều này?

+ Tôi cho rằng không phải bây giờ, mà đúng ra từ lâu rồi các cơ quan quản lý văn hóa cần có những chế tài mạnh tay với nghệ sĩ có ứng xử thiếu chuẩn mực. Đây chính là cách để thanh lọc những nghệ sĩ có quá nhiều điều tiếng, giữ lại những nghệ sĩ chân chính, yêu nghề, hết mình vì công chúng.

. Nói riêng về một bộ phận khán giả, quyền phán xét của họ chưa bao giờ là sai bởi khán giả là người được "phục vụ" tuy nhiên sự tiêu cực trong bình luận của họ ngày càng lớn và không ít tiêu cực đã đẩy nghệ sĩ đến những phát ngôn thiếu kiểm soát. Anh nhìn nhận vấn đề này ra sao?

+ Khán giả là một thế giới rất chung chung. Có khán giả bộc trực, nhưng cũng có khán giả sâu sắc. Có khán giả không chuyên môn, nhưng cũng không thiếu khán giả có kinh nghiệm, có tri thức chuyên ngành. Quan trọng là khán giả góp ý có chân thành, có xây dựng hay không?

Nếu ý kiến nào đúng, chân thành, mà gợi mở thì nên lắng nghe để hoàn thiện chương trình ngày một tốt hơn. Chứ không thể đổ lỗi tất cả cho khán giả vì họ chê, họ phê được!

Táo quân 2023 bị nhiều khán giả chê nhạt. Ảnh: VFC

Táo quân 2023 bị nhiều khán giả chê nhạt. Ảnh: VFC

. Táo quân là món ăn tinh thần của người Việt mỗi đêm giao thừa. 20 năm qua, sự thăng hoa hay đi xuống cũng đều có đủ. Là một nhà nghiên cứu văn hóa cũng là khán giả, theo anh Táo quân có nên dừng lại hay nên thay đổi điều gì để đáp ứng khán giả tốt hơn?

+ Táo quân không chỉ là một chương trình truyền hình, mà đã trở thành một nếp văn hóa trong đêm giao thừa. Có thể nói nhiều người háo hức để chờ đến đêm giao thừa được xem Táo quân. Vậy cái họ mong muốn nhất của Táo quân là gì? Là tiếng cười? Chỉ một phần thôi. Cái chính vẫn là sự tổng kết xã hội xem năm qua đất nước chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì?

Hơn cả vẫn là qua Táo quân, chương trình sẽ truyền đi thông điệp về một năm mới tràn đầy hy vọng, lạc quan ra sao. Đó mới là vấn đề! Nếu không còn làm được việc gieo hy vọng tốt đẹp cho nhân dân thì Táo quân không còn là nét văn hóa nữa.

. Cảm ơn Nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang đã chia sẻ!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm