Nhà nước chia sẻ rủi ro dự án đối tác công tư

Sáng 20-4, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Các đại biểu tranh luận về việc khi nào thì Nhà nước chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, mức độ nào...

Quy định chặt điều kiện chia sẻ rủi ro

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay tiếp thu ý kiến sau phiên họp thứ 43, cơ quan thẩm tra và soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro theo hướng chặt hơn.

Theo đó, dự án phải do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và hàng loạt điều kiện khác nhưng vẫn chưa đảm bảo được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Cũng theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dự thảo không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước.

Phát biểu sau đó, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho hay: Dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP nhưng vẫn cần phải bàn kỹ nội dung này. “Tôi rất lo. Không cẩn thận, phần Nhà nước bù suốt đời dự án 30, 40 năm có khi gấp nhiều lần so với số vốn đầu tư dự án” - ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh: TTXVN

“Nhà nước không cam kết thì chả ai muốn làm”

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định điều kiện chia sẻ rủi ro quy định như dự thảo đã rất chặt chẽ. Cạnh đó, mức chia sẻ cũng đã được điều chỉnh so với dự thảo trình trước đó.

Cụ thể, trước đây, Chính phủ trình đối với phần giảm doanh thu của doanh nghiệp, Nhà nước chia sẻ không quá 50% nhưng với phần tăng thu, doanh nghiệp phải chia sẻ cho Nhà nước không thấp hơn 50%. Dự thảo mới đã điều chỉnh theo hướng quy định thống nhất tỉ lệ chia sẻ là 50/50, kể cả phần doanh thu tăng và giảm.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định phần giảm doanh thu chỉ được Nhà nước chia sẻ khi đảm bảo các điều kiện chặt chẽ. Trong khi đối với phần tăng doanh thu, bất cứ dự án nào có doanh thu tăng hơn 125% đều phải chia sẻ 50% với Nhà nước.

Cần quy định cụ thể về chia sẻ rủi ro

Liên quan đến mức doanh thu bắt đầu chia sẻ rủi ro, dự thảo luật đề xuất:

+ Khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu.

+ Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu áp dụng đối với tất cả dự án PPP. 

Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng chia sẻ rủi ro là điểm nhấn lớn nhất của dự án luật này để nhằm thu hút nhà đầu tư. Do đó, về quan điểm, nên ủng hộ cơ chế chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, ông Lưu đề nghị cần quy định mức chia sẻ, trình tự chia sẻ thế nào để thực hiện được trên thực tế. Ông cũng đồng tình với phương án tăng hay giảm doanh thu đều chia theo tỉ lệ 50/50 để đảm bảo công bằng.

Trong khi đó, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét nhiều quy định của dự luật còn chặt hơn cả đầu tư công, trong khi trách nhiệm của Nhà nước trong việc thanh toán thì chưa thấy dự thảo đề cập. “Nhà nước không cam kết thì chả ai muốn làm. Làm xong lúc đó mới đi xin thanh toán thì mệt lắm” - ông Phúc nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết UBTVQH đồng tình với cơ chế chia sẻ rủi ro của dự thảo nhưng đề nghị quy định hai phương án về mức chia sẻ để QH tiếp tục thảo luận, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội đề xuất thành lập Bộ Thanh niên

Sáng 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), trong đó, một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về Ủy ban Quốc gia về thanh niên tại dự thảo.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc quy định về Ủy ban Quốc gia về thanh niên là phù hợp. Tuy nhiên, bà đề nghị cần nghiên cứu theo hướng thành lập Bộ Thanh niên - Thể thao trên cơ sở Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Thanh niên - Thể thao sẽ do bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn làm bộ trưởng.

“Singapore mấy triệu dân nhưng có hẳn một bộ Thanh niên - Thể thao. Thời kỳ này cần quản lý nhà nước chứ không chỉ vận động. Đoàn thanh niên là tổ chức của thanh niên nhưng không được ra thông tư, quyết định, chẳng được kiểm tra, thanh tra, kỷ luật ai, chẳng đề xuất ra một nghị định gì của Chính phủ” - Chủ tịch QH nêu.

Cũng theo Chủ tịch QH, việc thành lập Bộ Thanh niên - Thể thao rất thuận lợi vì trụ sở đã có sẵn. Đặc biệt, hiện ngân sách chi cho Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng như một bộ, cơ quan ngang bộ. Chưa kể, việc này cũng không làm phát sinh biên chế mới mà thực chất chỉ là dùng nhân lực có sẵn của Đoàn thanh niên.

Bà Ngân cũng cho rằng việc thành lập Bộ Thanh niên - Thể thao không hề chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước, vì khi đã có bộ này thì Bộ Nội vụ không cần quản lý nhà nước về thanh niên nữa. 

“Trong điều kiện không có Bộ Thanh niên, Bộ Nội vụ quản lý nhà nước nhưng chức năng chính của Bộ Nội vụ là tổ chức cán bộ trong bộ máy của Chính phủ, cái này giao thêm vậy thôi” - Chủ tịch QH nói và cho biết bà không đề nghị sửa ngay mà nêu một hướng sửa đổi trong tương lai, để làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về thanh niên.

“Tôi thuộc phe thiểu số nói ý kiến khác. Tôi nói là nói cho tương lai, đề nghị trong thảo luận ghi ý kiến của tôi như thế” - bà Ngân nói. 

THU NGUYỆT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm