Nhà thơ Hải Như: 'Qua hình tượng Bác Hồ, tôi viết về chúng ta, cuộc đời hôm nay…'

(PLO)- Nhà thơ Hải Như nổi bật ở dòng thơ viết về Bác Hồ và với ông, qua hình tượng của Bác ông viết về chúng ta, về năm tháng và cuộc đời hôm nay...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân dịp 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như, Hội nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm Nhà thơ Hải Như một thế kỷ suy tưgiới thiệu tác phẩm Hải Như – Thơ & Tiểu luận vào ngày 20-12.

nha-tho-hai-nhu-4411.jpg
Tác phẩm Hải Như - Thơ & Tiểu luận

Bác Hồ trong những vần thơ của Hải Như

Nói về dòng thơ về Bác Hồ trong di sản của nhà thơ Hải Như, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM nhận định đây là mảng thơ nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông.

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nếu Tố Hữu khai thác hình tượng Bác Hồ khi Người còn sống, thì nhà thơ Hải Như tập trung viết về Bác Hồ sau khi Người đã qua đời.

Bài thơ đầu tiên về Bác Hồ xuất hiện trong thơ Hải Như là bài Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi (9-1969).

Tổng Bí thư Trường Chinh (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) đọc được bài thơ này trên báo Nhân Dân số ra ngày 20-9-1969, đã nhận xét: "Bài thơ “Bác ơi” của nhà thơ Tố Hữu sáng tác cùng thời điểm là bài thơ con khóc cha, còn bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” của Hải Như là bài thơ quần chúng khóc lãnh tụ".

Như khơi được mạch nguồn cảm hứng bất tận, nhà thơ Hải Như chọn đề tài Bác Hồ để miệt mài sáng tác. Những tập thơ của ông, như Trái đất mai này còn lại tình yêu (1985), Bài thơ trên bến Nhà Rồng (1990), Thơ viết về Người (2004) đều có hình tượng Bác Hồ.

Nhà thơ Hải Như quan niệm: "Tôi viết về con người Hồ Chí Minh. Tôi viết về những bài học làm người mà tôi học được ở Bác Hồ".

Đó là những chi tiết bình thường nhất của Bác trong đời sống, từ "Bữa ăn sáng Bác Hồ sao đạm bạc/ Một bát cháo hoa/ Một khúc sắn quê nhà" hay "Bác Hồ đi dép lốp cao su/ Đâu chỉ vì giản dị/ Mà vì lẽ cao hơn/ Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm/ Khi trái đất này còn những trẻ em chưa có đủ giày đi/ Người không sao sống khác".

Ông nêu bật phẩm giá Bác Hồ bằng những câu chuyện cụ thể: "Bác Hồ đứng/ Người sau không bị khuất/ Ta đứng (thường quên)/ Che lấp bạn mình".

Với nhà thơ Hải Như, khi viết về Bác Hồ, ông muốn người đọc phải học tập và làm theo Bác đó là sự liêm khiết, giản dị…

Ông từng chia sẻ: "Đề tài Hồ Chí Minh là điểm tựa, là cái cớ để tôi thực hiện chức năng của thơ ca, thức tỉnh con người.Tôi không sao chép Bác mà thông qua hình tượng Bác Hồ, tôi viết về chúng ta, về năm tháng và cuộc đời hôm nay".

Trách nhiệm của nhà thơ, nhà văn

Nhà thơ Hải Như nổi bật ở dòng thơ viết về Bác Hồ
Nhà thơ Hải Như (1923-2023). Ảnh: Tư liệu

Ngay trong tác phẩm Hải Như – Thơ & Tiểu luận, phía biên tập cũng đã in tuyên ngôn của nhà thơ Hải Như: "Nhà thơ không chỉ là pháp sư ngôn ngữ mà phải là nhà tư tưởng".

Theo nhà văn Bích Ngân, Ngoài tùy bút Xin ai chớ phụ hoa ngâu và tập kịch Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng, nhà thơ Hải Như còn có những trang tiểu luận mang tính gợi mở về biên độ thẩm mỹ của văn chương.

Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của nhà thơ: "Theo tôi người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ… Trước trang giấy nhà thơ không được quên đối tượng cần được thức tỉnh của mình bao gồm cả nhà cầm quyền".

Và ngay trong những vần thơ, ông đã kiên định với sứ mệnh của mình: "Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời/ Em xem đó, con người vẫn còn bị con người xúc phạm".

Trong tiểu luận Tản mạn về hai dòng văn chương (2007), nói về bài thơ Ai? Tôi! Nhà thơ Hải Như cho rằng nhà thơ Chế Lan Viên nhắc nhở mọi người: "Những người cầm bút hãy nghiêm khắc kiểm tra lại mình, người cầm bút mọi thời chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc".

Nhà thơ Hải Như tên thật là Vũ Như Hải sinh năm 1923 tại Nam Định.

Trước năm 1945, nhà thơ Hải Như hoạt động truyền bá quốc ngữ tại Hà Nội. Tháng 12-1946, ông gia nhập quân đội.

Sau khi theo học lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng, ông làm báo Vệ Quốc Quân và báo Cứu Quốc (1949).

Đất nước thống nhất, ông chuyển vào cư ngụ tại TP.HCM và làm Phó Tổng Biên tập báo Giác Ngộ cho đến ngày nghỉ hưu.

Nhà thơ Hải Như qua đời vào ngày 30-6-2007 tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm