Nha Trang sẽ là thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia, quốc tế

Nha Trang sẽ là thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia, quốc tế

(PLO)- Nha Trang được phân 14 khu vực để định hướng phát triển theo mô hình hiện đại, thông minh, xanh sạch, đảm bảo giá trị về văn hoá, lịch sử đặc sắc.

Ngày 31-3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, đến năm 2040 (QHC Nha Trang).

Mở rộng về hướng Diên Khánh

Theo đó, quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.736 ha )tăng khoảng 189 ha so với quyết định 1456 ngày 25-9-2020 của Thủ tướng).

Trong đó, TP Nha Trang có diện tích khoảng 25.422 ha, tăng 162 ha so với phạm vi nghiên cứu là 25.260 ha do cập nhật theo diện tích của TP trong Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 3-2023.

Nha Trang.webp
Nha Trang được định hướng là thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Ảnh: XUÂN HOÁT

Còn phạm vi huyện Diên Khánh có diện tích khoảng 1.314 ha, tăng 27 ha so với diện tích phạm vi nghiên cứu là 1.287 ha do cập nhật bản đồ hiện trạng địa hình tỷ lệ 1/10.000 được cơ quan có chức năng thẩm định.

Mục tiêu đồ án nhằm phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế, thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có, với nét nổi bật đặc hữu là chuỗi không gian ven biển, không gian đảo và không gian sinh thái.

Hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần hàng hải, thương mại - dịch vụ du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường; đầu tư mới và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (cảng biển, các khu kho vận, đường sắt, bến xe đầu mối) và các tuyến giao thông trọng yếu; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị. Tiến tới nâng cao vị thế thương hiệu quốc tế thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển. Bước đầu trở thành một thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể hoá mục tiêu, định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 09 Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt.

Nha Trang cũng sẽ là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa.

Là trung tâm du lịch, thương mại - tài chính, dịch vụ cảng biển du lịch của vùng Nam Trung Bộ và cả nước; đô thị du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế; có vai trò và vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.

quy hoạch Nha Trang.webp
TP Nha Trang được quy hoạch mở rộng về hướng Diên Khánh. Ảnh: XUÂN HOÁT

14 khu vực phân vùng đô thị

Quy hoạch mới khuyến khích mở rộng không gian xây dựng đô thị tại các khu vực có tiềm năng phát triển theo nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị cảnh quan đặc trưng, hệ sinh thái biển TP Nha Trang.

Khu vực đồi núi thuộc TP Nha Trang (khoảng 13.156 ha), chủ yếu phát triển không gian dịch vụ du lịch trên núi, đảm bảo các điều kiện về tính ổn định địa hình và địa chất núi; phục hồi hệ sinh thái cảnh quan núi; đảm bảo an toàn công trình xây dựng, không gây sạt lở và phù hợp với không gian cảnh quan thiên nhiên; ứng dụng kỹ thuật và công nghệ xây dựng tiên tiến cảnh báo nguy cơ sạt lở, sụt lún khi có thiên tai.

Còn khu vực dự trữ phát triển (khoảng 253 ha) sẽ dự phòng cho các mục đích sử dụng theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong tương lai, ưu tiên phát triển các chức năng an sinh xã hội phục vụ cộng đồng hoặc công trình hạ tầng đô thị theo yêu cầu của Nhà nước.

Đồ án quy hoạch mới cũng chia TP Nha Trang thành 14 khu vực phân vùng đô thị. Trong đó, khu vực một nằm trung tâm ven biển và phía Nam sông Cái, được định hướng là trung tâm du lịch cả nước, trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại cấp tỉnh và thành phố.

Khu hai, khu vực sân bay Nha Trang cũ và vùng phụ cận, được định hướng là trung tâm dịch vụ du lịch, văn phòng, thương mại - tài chính vùng Nam Trung Bộ. Còn khu ba gồm Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, là trung tâm dịch vụ du lịch biển, dịch vụ cảng biển du lịch vùng Nam Trung Bộ.

Khu bốn ở phía Tây đường Lê Hồng Phong, sẽ là khu đô thị mới đan xen khu dân cư hiện trạng cải tạo chỉnh trang. Còn khu năm phía Đông đường sắt - từ Bắc sông Cái đến Mũi Kê Gà sẽ là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển.

Trong khi khu sáu tính từ phía Nam núi Cô Tiên (nhỏ) đến phía Bắc núi Hòn Ngang (núi Cô Tiên lớn) giữ nguyên quy hoạch khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển, thì khu bảy phía Bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê, sẽ là trung tâm giáo dục, y tế, dịch vụ nước khoáng nóng. Khu tám nằm phía Tây Nha Trang sẽ là trung tâm khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, đào tạo mới.

Nha-Trang.webp
Sân bay Nha Trang cũ được định hướng là trung tâm dịch vụ du lịch, văn phòng, thương mại - tài chính vùng Nam Trung Bộ. Ảnh: XUÂN HOÁT

Đáng chú ý, tại khu vực chín, phía Nam đường Phong Châu và khu vực núi phía Tây sông Tắc, vẫn sẽ giữ mục tiêu nơi đây là khu đô thị - trung tâm hành chính mới, dịch vụ du lịch sinh thái núi, dịch vụ y tế vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Các khu vực còn lại như Phước Đồng - Hòn Rớ - phía Bắc núi Cù Hin, Đồng Bò - Trảng É, Vĩnh Phương… sẽ là là trung tâm giáo dục, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch sinh thái, khu công nghiệp và dịch vụ logistic, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp…

Riêng khu vực 14, thuộc vịnh Nha Trang, biển ven bờ xã Vĩnh Lương và các đảo thuộc TP Nha Trang, diện tích khoảng 3.848 ha, dân số dự kiến khoảng 10.000 người được quy hoạch, định hướng là trung tâm dịch vụ du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế kết hợp an ninh quốc phòng.

Mô hình đô thị xanh, thông minh

Chính phủ cũng yêu cầu trong quy hoạch mới của Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phải thiết kế đô thị theo mô hình xanh, thân thiện; tạo ra một hệ thống các điểm nhấn trong đô thị đa dạng, có giá trị về văn hoá, lịch sử, kiến trúc, giá trị cảnh quan đặc sắc.

Đồng thời quy hoạch xây dựng công trình điểm nhấn cao tầng ở khu vực ven biển, dọc sông Cái, xung quanh các quảng trường, công viên công cộng cấp đô thị, các khu vực trung tâm đô thị tại phía Nam đường Phong Châu, trên đảo Hòn Tre, khu vực dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, khu vực sân bay Nha Trang cũ,...

Đặc biệt chú trọng hình ảnh đường chân trời của thành phố nhìn từ các hướng, đặc biệt hướng nhìn từ biển vào tạo hình ảnh đô thị hiện đại, với nhịp điệu phong phú, sự nổi bật của các công trình/cụm công trình điểm nhấn, điểm xuyết các công trình, cụm công trình trên khu vực đồi núi, toàn thành phố lấy cảnh quan đồi núi quanh thành phố làm phông nền.

1.webp
Ga Nha Trang được định hướng phát triển thành công viên gắn với bảo tàng. Ảnh: XUÂN HOÁT

Tổ chức hệ thống công viên, cảnh quan, không gian mở công cộng, bao gồm hệ thống mặt nước biển, sông Cái, sông Quán Trường, sông Tắc, hồ Vĩnh Hoà, hồ Lỗ Lương, hồ Đắc Lộc... gắn với hệ thống công viên, quảng trường công cộng ven biển, ven sông, trên vùng núi, trong vùng đồng trũng, trong các khu đô thị,… làm trung tâm. Từ đó, tạo bản sắc và nâng cao giá trị cho không gian xây dựng, thúc đẩy, đồng thời kiểm soát các không gian phát triển đô thị.

Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng sân bay cho thủy phi cơ phục vụ du lịch gắn với các cảng khách du lịch tại Nha Trang. Trong đó có bến thủy nội địa, bến tàu phục vụ dân sinh, du lịch, bến du thuyền định hướng xây dựng ở khu vực sông Cái, sông Quán Trường, Hòn Rớ, biển Vĩnh Hòa, khu vực Hòn Tre, chân đèo Cù Hin, khu vực Vĩnh Lương...

Đọc thêm