Nhà trọ cấm người thuê sạc xe điện vì sợ cháy nổ

(PLO)- Theo chuyên gia, pin Lithium giống như ắc quy thông thường, quá trình sạc điện có thể bị chập dẫn đến nóng lên, pin phồng và nổ nhưng không gây cháy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội ngày 12-9 vừa qua, dù cơ quan chức năng chưa xác định nguồn gây cháy xuất phát từ đâu, tuy nhiên hiện nay nhiều chung cư, nhà trọ trên địa bàn TP.HCM đã có những thông báo liên quan đến các loại xe điện.

Cụ thể, các chủ nhà trọ, nhà cho thuê ra thông báo cấm người thuê sạc điện cho xe. Việc này cũng đã gây không ít khó khăn cho người sử dụng các loại xe điện.

Khổ vì chủ trọ không cho sạc xe điện

Ghi nhận của PV, tại một khu trọ với hơn 30 phòng ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM, trước đây mỗi tối đều có 5-7 xe đạp điện các loại cắm sạc dưới sân. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, tình trạng trên đã không còn.

Bà NTMT, chủ khu trọ trên, cho biết sau vụ cháy thương tâm xảy ra ở TP Hà Nội, bà thấy nhiều thông tin cho rằng việc sạc xe đạp điện qua đêm có thể là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ nên đã yêu cầu những người thuê trọ phải sạc vào lúc có người ở đó hoặc đưa đi nơi khác sạc, chứ không để qua đêm như trước nữa.

sac-xe-dien-chung-cu_19-9.jpg
Từ sau vụ cháy chung cư mini ở TP Hà Nội, nhiều chủ nhà trọ, nhà cho thuê đã cấm việc sạc xe điện. Ảnh: TN

Mặc dù có một số người phản đối nhưng theo bà T, việc bà yêu cầu như trên là cẩn thận và chỉ nhằm đảm bảo an toàn PCCC cho cả khu trọ có hơn 100 người ở đây.

Mấy ngày gần đây, chị DTTL (người thuê trọ trú quận 12, TP.HCM) phải mang xe máy điện của mình qua nhà người bạn để sạc nhờ vì chủ trọ không cho sạc qua đêm như trước. Chị L chia sẻ: “Công nhân như tụi em đi làm cả ngày, tối về mới sạc xe để mai đi làm tiếp, mà giờ chủ trọ không cho sạc thì cũng khó quá. Một số người trong chỗ em trọ có nói chủ trọ sắp xếp chỗ sạc chung ở sân ngoài nhưng chủ trọ vẫn không đồng ý”.

Còn theo ông NMH, quản lý một tòa nhà cho thuê phòng trọ trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận, TP.HCM), sau vụ cháy ở TP Hà Nội, ông có thông báo đến toàn bộ người thuê trọ về việc không cho sạc xe điện tại hầm để xe.

Theo anh TQB, sinh viên đang ở trọ tại tòa nhà này, thông báo không cho sạc xe điện là quyết định không hợp lý. Vì từ sau vụ cháy ở TP Hà Nội, cơ quan chức năng chưa có thông tin gì về nguồn cháy, chất gây cháy. Chỉ mới là suy đoán mà các chủ nhà trọ, nhà cho thuê đã cấm việc sạc xe điện rồi. “Dù là xe đạp điện nhưng cũng là tài sản lớn đối với công nhân hay sinh viên nên họ rất chăm lo tài sản của mình. Khi sạc xe cũng phải canh chừng chứ đâu bỏ phế được” - anh B nói.

Khi sạc xe cần tìm nơi an toàn, không nên để gần những phương tiện khác, để ở nơi dễ quan sát và dễ xử lý kịp thời khi có sự cố.

Pin xe điện không phải chất cháy

Trao đổi với PV, PGS-TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết pin Lithium không phải là chất cháy, chỉ khi bị chập mạch, quá tải… mới gây ra hiện tượng nổ, những trường hợp này kể cả không cháy cũng có thể xảy ra.

Theo ông Côn, pin Lithium giống như các loại ắc quy bình thường, quá trình sạc điện có thể bị chập dẫn đến nóng lên, pin bị phồng và nổ nhưng việc này không gây cháy.

“Bản thân ắc quy không phải là chất cháy, bên trong chứa hợp kim oxit của kim loại Lithium (liti - Li), nickel (niken - Ni), chỉ lúc phát nổ mà ở gần đó có chất dễ cháy mới sinh ra cháy” - PGS-TS Trần Hồng Côn nói.

Một tiến sĩ hóa học ở một trường đại học cho biết không nên sử dụng nước để dập đám cháy lúc ban đầu, nhất là cháy trong hầm để xe. Chỉ khi nào cơ quan chức năng xác định được tính chất của vụ cháy thì mới sử dụng nước.

Lý giải về cách chữa cháy này, vị tiến sĩ cho biết trong hầm để xe có nồng độ xăng lớn, trong khi đó khối lượng riêng của xăng nhẹ hơn nước nên xăng nổi trên nước.

Vì vậy, khi dùng nước để dập lửa rất dễ dẫn đến việc cháy lan nhanh hơn, nước chảy tới đâu lửa bùng phát ở đó, làm lan rộng thêm đám cháy, thậm chí tạo ra hiệu ứng nổ khi các phương tiện trong hầm để xe đồng loạt cháy.

Còn đối với bình cứu hỏa mini chứa khí CO2 có tác dụng ngăn đám cháy tiếp xúc với ôxy của không khí, tiến tới dập tắt dám cháy. Nhưng đối với đám cháy có nguồn cháy quá mạnh thì khí CO2 trong bình chữa cháy mini không phát huy tác dụng, chưa kể ở các tầng hầm để xe thường có quạt thông gió, khí ôxy liên tục được cấp vào bên trong.

“Do đó, theo tôi, hầm để xe của các chung cư nên bố trí các thùng cát có khoảng cách phù hợp để khi có cháy sẽ xử lý được ngay. Phải hiểu đúng bản chất của đám cháy mới có thể xử lý ngay từ đầu để tránh cháy lan” - vị này nói.•

Khi sạc xe điện, không nên để gần những phương tiện khác

Ở thị trường Việt Nam, xe điện được nhập trôi nổi khá nhiều, người nào cũng có thể mua nhưng không hề có một quy chuẩn nhất định. Pin của các loại xe điện cấu tạo có thể không khác là mấy nhưng về độ an toàn có khác nhau.

Người dân nên mua xe điện của hãng uy tín, rõ nguồn gốc, tránh mua hàng trôi nổi để hạn chế rủi ro trong quá trình sử dụng.

Khi sạc xe cần tìm nơi an toàn, không nên để gần những phương tiện khác, để ở nơi dễ quan sát và dễ xử lý kịp thời khi có sự cố.

Trong hầm để xe thường có rất nhiều phương tiện, bình xăng của các loại xe dù kín tới đâu vẫn có “độ rơ”, hơi xăng vẫn có thể thoát ra. Với nhiều phương tiện cùng một chỗ, nồng độ xăng lớn, gặp pin cháy thì lửa rất dễ dàng bùng phát dữ dội.

Để xử lý ngọn lửa ban đầu, trước hết chúng ta cần ngắt nguồn điện, sau đó dùng vật ướt, cát... để trùm lên nguồn cháy, việc này sẽ hiệu quả hơn là dùng bình xịt, nước.

Một giảng viên khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm