Nhà văn Di Li liệt kê 48 tật xấu của người Việt

(PLO)- Cuốn sách Tật xấu người Việt bao gồm 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-12, cuốn sách mang tên Tật xấu người Việt của nhà văn Di Li đã chính thức ra mắt bạn đọc thủ đô.

Cuốn sách nằm trong bộ đôi sách khảo cứu về tính cách người Việt hiện đại gồm: Tật xấu người ViệtTính tốt người Việt (chưa phát hành).

Với Tật xấu người Việt, nhà văn Di Li là tác giả nữ đầu tiên đưa ra quan điểm phân tích về những thói tật của người Việt và lý giải dựa trên những nghiên cứu trong hàng chục năm và trải nghiệm của mình. Nếu Tính tốt người Việt được ra mắt, có thể nói chị sẽ là tác giả đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hoàn chỉnh nhất về hai khía cạnh tính cách của dân tộc mình.

Nhà văn Di Li cho biết, chính tựa đề và nội dung cuốn sách đã khiến chị phải hồi hộp để cuốn sách được cấp phép. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, bày tỏ, sự hồi hộp của nhà văn Di Li là hợp lý, bởi lẽ có lẽ chị là nhà văn đầu tiên viết về tật xấu của người Việt.

tật xấu
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: VIẾT THỊNH

“Tôi biết Di Li viết cuốn sách này trong vòng 18 năm. Di Li cần 18 năm để sống, để quan sát, để suy ngẫm, để tiếp tục viết. Tôi nghĩ rằng 18 năm đó là cần thiết cho cuốn sách này” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, với mỗi tật xấu được đề cập trong cuốn sách ông đều có và đồng thời khẳng định, nhà văn viết về tật xấu của người Việt là một sự dũng cảm, nhưng hơn sự dũng cảm là tình yêu của chị với người Việt Nam, đối với mảnh đất này.

“Chứa đựng trong tật xấu đó là một sự chia sẻ, tình yêu thương, lòng tự trọng. Di Li là một người yêu nước, chị đã nói tất cả những gì chị muốn nói để làm sao một ngày nào đó những tật xấu đó được nhỏ lại, biến mất và thay vào đó là những vẻ đẹp mà người Việt đã có”- ông nói.

Tật xấu người Việt bao gồm 48 câu chuyện về tính tự ái, trọng tình hơn lý, sự phiến diện, thích đổ lỗi, lười cảm ơn, lười đọc sách, lười biểu hiện cảm xúc tích cực mà chỉ ưa nói thẳng những điều tiêu cực, chê vùi dập khen bốc giời …

Nhà văn Di Li bày tỏ: “Tôi biết rằng cuốn sách này sẽ gây nhiều tranh cãi, bởi quan điểm là thứ không thể “định lượng”, nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất. Hơn nữa, khi những quan điểm ít nhiều “va chạm” đến một số người, rất có thể sẽ gây chạnh lòng.

Nhưng tôi thực bụng mong muốn độc giả tiếp nhận những câu chuyện này với thái độ thiện chí nhất, bởi cuốn sách là một kết quả nghiêm túc đã được tôi nghiên cứu trong suốt thời gian dài về tính cách của dân tộc Việt, bao gồm cả tật xấu và tính tốt”.

48-tat-xau-cua-nguoi-viet.JPG
Nhà văn Di Li chia sẻ về cuốn sách với bạn đọc. Ảnh: VIẾT THỊNH

Nhà báo Yên Ba khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách đã cho rằng: “Có đủ hết trong cuốn sách này những tính cách (và tính nết) mà người ta kiêng kị không nói đến một cách công khai, lại càng tránh tập trung chúng vào một chỗ.

Lắc rắc vài hạt tiêu làm cho bát cháo ngon hơn, nhưng cả một bát cháo toàn hạt tiêu thì cay lắm, làm sao mà nuốt nổi! Nhưng, câu chuyện ở đây không phải là một bát cháo quá nhiều hạt tiêu; đây là một bát thuốc và nó rất đắng! Viết về tật xấu của người khác là một công việc đầy rủi ro.

Viết về tật xấu của một dân tộc, hơn thế, là một công việc nguy hiểm. Nhưng tác phẩm này là một trong những bước đi văn chương đầu tiên cho thấy người Việt, ở đây là người viết, người xuất bản, người đọc, đang trưởng thành”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm