Nhà văn Trần Kim Trắc lí lắc tuổi 86

Sáng 4-11, NXB Trẻ đã ký kết tác quyền trọn đời với toàn bộ tác phẩm của nhà văn Trần Kim Trắc - gương mặt văn chương được xếp vào nhóm những nhà văn có giọng văn Nam Bộ tiêu biểu như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy. Ông là một trong số ít nhà văn được NXB Trẻ chọn mời ký kết hợp đồng tác quyền như Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Huy Thiệp.

“Tôi là người Nam Bộ lí lắc”

. Phóng viên: Thưa nhà văn, ông có thể cho biết cảm xúc của mình khi đã ký kết tác quyền trọn đời với NXB Trẻ, tức trao trọn quyền về gia tài văn chương cho nơi này nắm giữ?

+ Nhà văn Trần Kim Trắc: Tôi vui lắm bởi vì được anh em nhớ đến mình. Vui hơn vì có một ông nhà văn Nam Bộ già được tìm để mua tác quyền, coi như NXB đã cứu vớt được một ông nhà văn già. Nếu NXB Trẻ tìm thêm những nhà văn Nam Bộ khác mua tác quyền nữa là điều quý lắm. Tôi thấy như mình được trẻ ra ở tuổi 86. Tôi vui đến mức mấy cô bên NXB đến là tôi mời vô nhà, giao hết tủ sách của mình. Mà người chuyên nghiệp thì không ai làm như vậy. Bởi vậy cũng hơi xấu hổ là giao xong tôi gọi điện thoại lại nói: “Mấy cô làm ơn giữ kỹ giùm tôi bởi tôi đã giao bản tài liệu cuối cùng của mình cho NXB rồi”.

. Được biết cuộc sống của ông có những giai đoạn vô cùng gian nan, vất vả để mưu sinh, có lúc làm giàu nhưng có lúc lại trắng tay và chắc gặp không ít điều buồn lòng ngang trái. Cuộc sống ngoài kia thì cũng có những thay đổi vùn vụt, cái xấu đang ngày càng tràn lan dễ khiến người ta mất lòng tin, bi quan. Làm thế nào ông vẫn giữ được một giọng văn rất đời thực nhưng luôn có sự nhân hậu, ấm áp với cái nhìn tươi sáng, trong trẻo về cuộc sống và tình người?

+ Tôi ảnh hưởng bởi cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều một câu và cụ Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên một câu. Cụ Nguyễn Du viết: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau, còn cụ Nguyễn Đình Chiểu thì viết: Nực cười hai chữ nhân tình éo le. Đã biết nhân tình như thế thì hãy giữ mình, giữ khoảng cách để nhìn thấu, tìm được điều hay mà sống. Tôi là người Nam Bộ, người Nam Bộ vốn lạc quan, viết văn lại là công việc tìm ngọc trong đời. Ngọc là vẻ đẹp ẩn bên trong mỗi người.

. Giới văn chương đã xếp ông vào nhóm những nhà văn có giọng văn Nam Bộ đặc trưng, ông có nhận mình là một giọng văn Nam Bộ không?

+ Có chứ, trước hết tôi là người Nam Bộ mà. Văn tôi thì có riêng chất tếu của người Nam Bộ, có cái sự lí lắc Nam Bộ. Tôi đọc bài thơ cho cái sự tếu, sự lí lắc Nam Bộ của mình thời đi lính nè: Đi đâu chẳng biết đi đâu, rề lên rề xuống lâu lâu lại về. Hễ về thì lại hề hề, rề lên rề xuống hề hề lại đi.

Nhà văn Trần Kim Trắc lí lắc tuổi 86 ảnh 1
 
Nhà văn Trần Kim Trắc (phải) trong buổi ký kết tác quyền trọn đời mới đây.

Viết về bốn cái tật lớn của mình

. Đọc văn của ông, người ta bắt gặp những nhân vật, những câu chuyện, những địa danh rất thực, rất bình dị đời thường. Tuy nhiên, câu chuyện ấy lại là một đề tài thú vị và có một cái kết rất riêng, rất độc đáo. Ông nói gì về việc viết văn của mình như một cách chia sẻ kinh nghiệm văn chương với giới trẻ?

+ Tôi đã nói tôi ảnh hưởng một câu của cụ Nguyễn Du: Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Chữ tài thì mình còn biết được như người có tài năng, có đạo đức, tư tưởng này khác nhưng còn chữ mệnh là gì? Về sau tôi mới suy nghĩ ra mệnh là cái tật ở mỗi con người. Tôi cho là cái tật ở con người gồm bốn cái lớn: háo ăn, háo danh, háo sắc, hám lợi. Khi anh nắm được cái mệnh của mình, tức cái tật của mình thì anh sẽ viết được rất nhiều chuyện, vô số đề tài về chính bản thân mình, về cái tôi của mình. Con người ta dù ở hoàn cảnh nào, dù có trình độ hay không có trình độ thì cũng có những cái suy nghĩ riêng về một sự việc, thì đó là cái riêng, cái độc đáo cho chuyện của mình. Như hồi tôi ở Lào Cai làm sơn tràng, có một cô gái người dân tộc được người yêu là một anh bộ đội đưa đi xem kịch. Thế là cô ấy về nói với tôi: “Bác ơi, bữa nay cháu được đi xem phim có người diễn!”. Thấy chưa, đó là một câu chuyện có cái riêng. Tôi muốn nói với các bạn trẻ là viết văn chẳng cần đề tài ở đâu xa, đề tài là ở chính bản thân mình, với những câu chuyện của mình vô số kể, không bao giờ sợ cạn đề tài hết.

“Em ơi, cho anh tiền mua thuốc lá”

. Cuộc sống bây giờ của ông thế nào. Ông có còn đọc, còn viết không?

+ Tôi năm nay 86 tuổi, sinh năm 1929 chứ không phải 98 tuổi, còn hai tuổi nữa là được chẵn trăm như lỗi của anh thư ký đánh máy lý lịch tôi đâu. Nhưng vậy cũng là mắt mờ, đầu óc mòn, già rồi, hết xí quách, viết không nổi chứ không phải như các bạn trẻ nhà báo đây. Tôi thấy các bạn cầm máy ảnh chụp ảnh này nọ mà thấy ganh tỵ với tuổi trẻ. Già thì thiếu bạn, ít được giao tiếp. Giờ tôi chỉ sống quanh quẩn trong nhà, không bao giờ đi đâu uống rượu. Tôi ghiền thuốc lá, có lúc xin tiền vợ, nói: “Em ơi, cho anh tiền mua thuốc lá”. Tôi ra đầu ngõ, đưa tờ hai mươi ngàn bạc, gói thuốc lá mười hai ngàn, tôi cầm tám ngàn bạc về đưa trả tận tay vợ. Tôi tiếc là già rồi không viết được chuyện này thành truyện ngắn.

Giờ già mắt mờ rồi, cái mới nhất tôi đã đọc là luận văn của một cô sinh viên bên Trường ĐH Sư phạm viết về văn chương của ông nhà văn già Trần Kim Trắc.

. Xin cám ơn ông.

83 tuổi vẫn viết và giật giải

Nhà văn Trần Kim Trắc từng đoạt giải nhì cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1945-1954 với truyện ngắn Cái lu, tặng thưởng của Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 với tập truyện ngắn Ông Thiềm Thừ. Năm 2012, ở tuổi 83, ông vẫn tham gia cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Con người và cuộc sống hôm nay” do Hội Nhà văn TP.HCM và đoạt giải nhì (không có giải nhất) với truyện ngắn Sài Gòn đắc địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm