Sáng 4-8, nhà văn Võ Đắc Danh tổ chức ra mắt quyển sách hồi ký Chuyện đời chuyện nghề (NXB Hội Nhà văn). Trong buổi ra mắt, hơn 1.000 quyển hồi ký đã được bán ra, thu về hơn 420 triệu đồng. Toàn bộ số tiền bán sách sẽ được nhà văn Võ Đắc Danh sử dụng xây cầu nông thôn và sản xuất bộ phim tài liệu Hành trình cây lúa Việt Nam.
Ngòi bút đứng về phía khổ đau
Võ Đắc Danh được gọi và tự cho mình là “người nông dân cầm bút”. Văn chương anh sử dụng ngôn ngữ thuần miền Tây như lối nói chuyện dân dã đời thường của người Nam bộ. Mỗi bài viết là những quan sát thông minh và trắc ẩn, đau đáu nỗi niềm về những thân phận người dân, cảnh ngộ quanh mình và trăn trở về xã hội, về đất nước. Những số phận rất riêng qua ngòi bút anh tạo được sự quan tâm chung, chạm vào cảm xúc và nhận được sự đồng cảm của người đọc.
Nhân vật của Võ Đắc Danh dù trong hồi ký hay những bài bút ký, bài báo của mình thường là những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống; về những thân phận con người oan khuất, cùng khổ, những sự bất công, phi lý đôi khi đến uất nghẹn. Đọc Đồng cỏ chát, Nỗi niềm U Minh Hạ, Nhức nhối một vùng quê… của Võ Đắc Danh khó có thể không động lòng.
Ngay những lúc cuộc sống riêng đầy khó khăn, nợ nần, thiếu thốn, Võ Đắc Danh vẫn chọn đứng cùng phía với những người dân oan khuất để cất lên tiếng nói cho họ. Với lựa chọn này, có lúc anh phải đối mặt với nguy cơ tù tội, nguy cơ bị mất việc làm. Khi cuộc sống đã sung túc hơn, Võ Đắc Danh tiếp tục đến với người nghèo không phải chỉ bằng những bài viết mà bằng những đóng góp và vận động xây hàng chục cây cầu nông thôn.
Nhà văn Trần Nhã Thụy, Giám đốc chi nhánh phía Nam NXB Hội nhà văn, nhận xét: “Chuyện đời chuyện nghề là những câu chuyện về cuộc đời của Võ Đắc Danh từ nhỏ cho đến ngày hôm nay với rất nhiều thăng trầm, biến cố, những câu chuyện trong hồi ký không chỉ là chuyện cuộc đời anh, mà qua đó người đọc còn thấy được sự khái quát hóa bối cảnh xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều câu chuyện trong tập sách như những lát cắt thô ráp, trần trụi, đau xót, phẫn nộ về xã hội. Những câu chuyện, những dòng chữ trong sách không chỉ kể về số phận một con người mà nó còn làm hiện lên số phận của cả một vùng đất”.
Nhà văn Võ Đắc Danh bán sách để xây cầu nông thôn. Ảnh: CTV
Những đau khổ của mình quá nhỏ bé
Tại buổi ra mắt sách, nghệ sĩ Xuân Hương chia sẻ: Quyển hồi ký của anh Võ Đắc Danh lôi cuốn người đọc vì lối hành văn của tác giả, vì nó có những câu chuyện thật và vì những điều ẩn sau các câu chuyện đó. Xuân Hương đã hỏi Võ Đắc Danh rằng vì sao anh lại chọn viết thể loại bút ký và làm thể loại phim tài liệu vốn cam go? Anh không lo sợ cho mạng sống của mình hay sao khi có những lúc anh phải đối mặt với sự nguy hiểm khi viết phanh phui những cái xấu, cái sai, cái ác của những người có quyền thế?
Võ Đắc Danh cho biết: “Tôi chọn thể loại bút ký và phim tài liệu vì nó nói về đời thật. Đời thực vốn đã như vậy mà mình đi hư cấu thì uổng quá. Thậm chí tôi thấy có những bộ phim hư cấu thua cả đời thật. Tôi sợ chết chứ, ai mà không sợ chết. Nhưng trong công việc tôi gặp những cuộc đời quá nhiều đau đớn, quá nhiều đau khổ nên cái sự khổ đau của mình trở nên quá nhỏ. Nếu phải chết vì để nói lên điều khổ đau cho những người dân đó, tôi chọn cái chết đó”.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm là một trong những người ơn của Võ Đắc Danh. Năm 1986, tại Minh Hải, hàng trăm nông dân ở Long Điền A kéo về Bạc Liêu phản đối chính quyền địa phương hành hung, bắt người vì bà con bức xúc việc thu mua muối giá thấp khiến người dân mất trắng mồ hôi nước mắt. Võ Đắc Danh đã viết về vụ này và bị lãnh đạo công an tỉnh yêu cầu bắt. Tuy nhiên, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm lúc đó là lãnh đạo ở huyện đã không ký quyết định bắt Võ Đắc Danh. Ông nói: “Lúc đó tôi nghe lệnh bắt Võ Đắc Danh vì có biểu hiện văn chương bất bình thường mà tôi không biết là ai. Nhưng tôi coi lại những gì ông kia viết là sự thật ở Long Điền A, mà viết còn thua sự thật nữa. Công an chỉ bắt tội phạm chứ không bắt nhà văn nên tôi không bắt Võ Đắc Danh”. Bây giờ về hưu, vị thiếu tướng này đang tích cực hoạt động trong Hội đồng hương Cà Mau, cùng Võ Đắc Danh và nhiều người vận động xây dựng rất nhiều cây cầu nông thôn cho người nghèo.
Cũng như Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nhà báo Hằng Nga - nguyên Tổng biên tập báo Người Lao Động cũng từng đứng ra bảo vệ Võ Đắc Danh khi anh làm việc ở báo này. Bà nói: “Tôi bảo vệ cái đúng của phóng viên mình chứ không vì Võ Đắc Danh vì lúc đó cũng chưa biết gì về nhau. Tôi thấy anh phóng viên này viết bài chỉ vì anh ấy muốn bảo vệ người nghèo khổ, lại yêu nghề, có năng lực, là người tốt. Người làm báo là người dám chịu trách nhiệm về bài viết của mình. Anh Danh là một người dám chịu trách nhiệm”.
Võ Đắc Danh sinh năm 1960 tại Cà Mau, từng là phóng viên báo Minh Hải, Người Lao Động, Sài Gòn Tiếp Thị, Pháp Luật TP.HCM. Ông là cây bút nổi tiếng với thể loại bút ký, là đạo diễn phim tài liệu và từng gặt hái thành công ở cả hai thể loại này: giải nhất bút ký báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam 2008, giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 … |