“Tôi không muốn được gọi là nhà gì cả. Tôi chỉ muốn là “nông dân” Võ Đắc Danh”. Lời “tuyên bố” của nhà báo-nhà văn kiêm đạo diễn phim tài liệu Võ Đắc Danh tại buổi giao lưu chiều 13-3 khiến nhiều bạn đọc “gật gù”. Không chỉ bạn đọc tại TP.HCM mà một số nông dân các xã vùng xa cũng đến tham dự và chia sẻ với anh.
Trả lời thắc mắc của bạn đọc “Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong các bút ký của anh?”, nhà văn Võ Đắc Danh chia sẻ: “Nguyên tắc của bút ký là luôn tôn trọng sự thật. Trong 30 năm từ khi gác cày cuốc làm báo, tôi luôn trung thành với nguyên tắc ấy”. Chị Nguyễn Thị Tưởng, nhân vật được đề cập trong bút ký Nỗi niềm sinh tử bên rìa “công thổ quốc gia”, người trên 20 năm đội đơn đi khiếu nại đòi lại đất đã bị lấy làm hồ Trị An ở Đồng Nai (năm 2006, Pháp Luật TP.HCM từng có loạt bài phản ánh), cũng có mặt để chia sẻ về sự thật cuộc sống của gia đình chị và hành trình đi đòi đất như một minh chứng cho bút ký mà Võ Đắc Danh đã đề cập. “Trang viết của anh đã giúp xoa dịu nỗi oan ức và bức xúc của gia đình tôi mà không cơ quan nào giải quyết”.
Sự có mặt bất ngờ của nhà sử học Dương Trung Quốc (ông đi xem sách thì tình cờ gặp buổi giao lưu) khiến buổi giao lưu trở nên nóng bỏng khi nhiều bà con nông dân ở Đồng Nai và một số địa phương khác tranh thủ gửi gắm nỗi niềm. Ông chia sẻ: “những người nghiên cứu lịch sử thuộc thế hệ con cháu chúng ta rất cần những trang viết phản ánh chân thực về cuộc sống như bút ký của anh Võ Đắc Danh”.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất: “Anh có nghĩ rằng những bút ký của anh chẳng đến được với người có trách nhiệm không?”. Ông Nguyễn Ngọc Hiến, 70 tuổi, với tư cách độc giả luôn theo sát các bút ký của Võ Đắc Danh đã trả lời thay cho anh: “Việc những bài viết có đến được với người có trách nhiệm hay không không phải là điều quan trọng nhất. Chỉ cần người cầm bút luôn đứng bên cạnh, chia sẻ với đời sống của người dân. Sự đón nhận của chính những người nông dân sẽ mang lại thành công cho bài viết của anh”.
Buổi giao lưu được tổ chức nhân sự kiện ba cuốn bút ký Nỗi niềm U Minh hạ, Đồng cỏ chát và Thế giới người điên của Võ Đắc Danh tái bản lần thứ ba, điều khá hiếm đối với thể loại bút ký. Được biết, 80 bút ký của Võ Đắc Danh cũng vừa được chuyển giao bản quyền cho nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và đạo diễn Song Chi chuyển thể kịch bản phim 20 tập, sẽ ra mắt trong thời gian tới. Điều này cho thấy những bút ký-tư liệu phản ánh cuộc sống của người nông dân được viết bởi những nhà văn luôn đứng bên cạnh họ thực sự thu hút sự quan tâm của độc giả và công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Có lẽ vì thế người ta vẫn thích gọi anh bằng cái tên trìu mến: “Nông dân” Võ Đắc Danh.
THANH HẢI