Trong làng nhạc Việt lâu nay, nhạc sĩ Đức Trí có một chỗ đứng khiến khối người mơ ước. Anh không bon chen, bất chấp guồng quay danh vọng và tiền bạc mà chỉ say mê hít thở bằng âm nhạc nhưng bất cứ lúc nào anh xuất hiện hay sản phẩm của anh trình làng cũng khiến người ta trầm trồ. Anh còn là linh hồn của hai trường đào tạo âm nhạc Music Faces và MPU. Với một nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc và người thầy âm nhạc, như vậy có là quá đủ?
Một gia đình riêng đầm ấm với người vợ tâm đầu ý hợp cùng hai con gái ngoan, người đàn ông Đức Trí của đời thường không giấu được niềm hạnh phúc.
Nhạc sĩ Đức Trí nói có lẽ do anh thuộc cung Thiên Bình nên dễ cân bằng những cái tưởng chừng đối lập, như mê công nghệ nhưng viết nhạc bằng bút mực
Tôi chỉ hết ích kỷ từ khi lập gia đình
. Nghệ sĩ, người sáng tác thường thay đổi quan điểm sáng tác khi họ trải qua sự cố hay sự kiện lớn trong đời, còn anh thì sao?
+ Nhạc sĩ Đức Trí: Lập gia đình chính là bước ngoặt tôi thay đổi quan điểm sống, quan điểm sáng tác. Chẳng hạn, hồi còn độc thân tôi có thể đắm đuối với đĩa than, sách nhạc nhưng khi lập gia đình rồi thì tôi nhận thấy làm vậy là ích kỷ, khi mình dành thời gian cho bản thân quá nhiều mà phải chia sẻ nó, quan tâm chăm lo cho gia đình của mình. Khi chưa lập gia đình, dù tuổi tác không ít, tôi vẫn có cảm giác mình chưa trưởng thành. Còn với âm nhạc thì nếu trước đây tôi chỉ có thể làm ra một tác phẩm vì mình thì bây giờ tôi có thể làm vì người khác. Cho nên tư duy âm nhạc của tôi có sự thay đổi. Tôi viết để đồng cảm, xoa dịu nỗi đau cho ai đó chứ không nhất thiết viết cho mình, càng không phải viết để đem lại cho mình sự nổi tiếng.
. Có một gia đình riêng hạnh phúc, có chỗ đứng vững chắc trong làng nhạc Việt, có quá nhiều say mê và ấp ủ, cuộc sống của anh bây giờ có thể gọi là thành công hay thành đạt như người ta thường nói hay chưa?
+ Quan điểm về đàn ông thành công, thành đạt của tôi khác với số đông. Thành đạt không phải là được xã hội công nhận về địa vị, tiền bạc. Đó đơn giản là khi anh ta tự tin trong công việc mà anh ta làm chứ không phải ở sự nhìn nhận của mọi người. Có thể bước đầu anh ta cần sự nhìn nhận đó nhưng đến một lúc thì không cần nữa. Chỉ có mình biết rõ nhất mình có thành công hay không. Đó là thành công từ bên trong.
Tôi nói với vợ sẽ dạy các con theo quan điểm này: Khi còn được sống trong xã hội thì nhiệm vụ lớn nhất là đem tới cho xã hội những giá trị tinh thần chứ không phải của cải. Một khi mang lại cho xã hội những giá trị như thế thì sự ra đi của mình sẽ có ý nghĩa hơn.
Tôi bị chinh phục bởi phụ nữ thông minh
. Người phụ nữ như thế nào là đáng mơ ước đối với anh?
+ Bạn bè từng nói mẫu phụ nữ của tôi quá rộng. Bởi vì tôi luôn nhìn thấy những điểm hay ở mỗi phụ nữ mà tôi gặp. Một người lẳng lơ tôi cũng thấy có cái hay, người thông minh thì tôi kính trọng, người nết na thì mình dễ mến. Tôi có cái nhìn tích cực về phụ nữ, dễ thấy cái đẹp ở họ. Nhưng nhìn cái đẹp đó không phải để tôi yêu họ, đơn giản đó chỉ là cảm xúc.
. Nhưng đó là những nét đẹp của nhiều phụ nữ, còn để chọn một người mà anh có cảm xúc nhiều nhất trong số đó thì đó là người ra sao?
+ Tôi bị chinh phục bởi một phụ nữ thông minh hơn là xinh xắn. Một người như thế thì mình tưởng có lúc mình bắt được họ rồi nhưng thực ra không phải. Một mối quan hệ khó nắm bắt, khó lường như vậy sẽ trở nên thú vị.
May mắn được học những bậc thầy âm nhạc
. Gắn mình với âm nhạc, mọi hoạt động của anh trong âm nhạc đều rất công phu, chăm chút. Có phải tất cả là để hướng đến những giá trị âm nhạc tinh túy?
+ Hồi nhỏ, từ lúc 11-12 tuổi, tôi may mắn được gặp các bậc tiền bối, những người thầy như các bác Trần Văn Khê, Lưu Hữu Phước, được phát hiện năng khiếu, bảo ban cho hướng đi của mình. Sau này, khi được vào nhạc viện thì tôi lại tiếp tục may mắn, gặp được những người thầy có thẩm mỹ âm nhạc rất tốt. Cho nên rất tự nhiên tôi gắn bó với âm nhạc. Hơn nữa, tôi được thực hành âm nhạc hằng ngày, nhận ra bản chất âm nhạc là giản dị, là sự tối giản. Âm nhạc giản dị, tối giản cũng là kim chỉ nam cho các sản phẩm âm nhạc của tôi.
. Được coi là người quan trọng bậc nhất, là “kiến trúc sư trưởng” của hai trường đào tạo âm nhạc, những giá trị mà anh muốn đem tới cho học trò là gì?
+ Thực ra tôi chỉ coi mình là người hướng dẫn cho các em mà thôi, tôi không thích nhìn nhận mình là thầy mặc dù các em luôn gọi tôi như vậy. Ở vị trí này, tôi không biến các em thành bản sao của mình hay bản sao của nhau mà tôi khuyến khích họ làm khác đi, phát huy hết khả năng sáng tạo của mỗi người. Thật ra cốt cách không phải là cái để học mà nó được hình thành từ những điều kiện khác ở bên ngoài, hình thành từ tư chất. Bắt đầu học thì các em nên biết rộng hơn là biết sâu. Các em được học kỹ thuật rồi quên nó đi để học nghệ thuật. Hướng đào tạo của tôi là chỉ ra cho các em thấy sự khác nhau giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Mà nghệ thuật đạt được thế nào thì phụ thuộc vào thẩm mỹ âm nhạc riêng của mỗi người.
Đào tạo những thế hệ nhạc nhẹ bằng giáo trình Mỹ
. Nghe nói anh dạy bằng giáo trình âm nhạc của trường nhạc ở Mỹ, giống như ngày xưa anh học?
+ Là bởi Việt Nam trước nay không có giáo trình cho nhạc nhẹ mà chỉ có giáo trình cho nhạc cổ điển. Nhạc nhẹ ở Việt Nam vốn không được xem là chính quy. Trong khi đó qua đào tạo, tôi thấy hệ thống nhạc nhẹ rất lớn. Chục năm trước Trường Nghệ thuật Quân đội ở Hà Nội cũng từng có hoài bão làm giáo trình cho nhạc nhẹ cho nên tôi không phải là người đầu tiên nhưng là trường tư đầu tiên làm việc này. Mục đích của tôi là đào tạo một thế hệ nhạc nhẹ trong tương lai, xây dựng, hệ thống lại giáo trình trong nước cho người Việt. Đó cũng là sự đúc kết lại trải nghiệm của tôi sau hơn 20 năm thực hành âm nhạc.
. Vì đâu mà anh mê chơi đĩa than? Thú vui này hẳn là ngốn của anh nhiều thời gian và tiền bạc?
+ Có lẽ do tôi thuộc cung Thiên Bình, dễ cân bằng những cái tưởng chừng như đối lập. Càng yêu công nghệ tôi càng giữ gìn, nâng niu những giá trị cũ. Tôi chép nhạc bằng công nghệ nhưng tôi luôn viết nhạc bằng bút, giấy. Tôi có máy nghe nhạc hiện đại nhất nhưng tôi cũng có máy đĩa than. Mà không chỉ đĩa than, thực ra tôi thích sưu tầm tất cả những gì liên quan đến âm nhạc, như băng catssette, sách nhạc.
Tôi đã từng rất tham lam. Có cuốn sách nhạc nào hay tôi cũng muốn sở hữu cho bằng được. Sau đó tôi nhận ra mình thích có nó hơn là nhu cầu đọc nó. Vì vậy tôi bắt đầu sưu tập có chọn lọc.
. Xin cám ơn anh.