Nhạc sĩ Phó Đức Phương tiết lộ về vợ kém 20 tuổi

Nhạc sĩ Phó Đức Phương rất nổi tiếng với khán giả Việt Nam và âm nhạc của ông được nhiều người yêu mến, thậm chí thuộc lòng. Đằng sau âm nhạc cuộc sống của ông như thế nào vẫn khiến khán giả tò mò. Người vợ hiện tại kém ông 20 tuổi, có khi nào ông đặt câu hỏi người đàn bà ấy yêu, gắn bó với mình vì điều gì?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vâng, khi tôi và Lan Anh gặp nhau lúc đó tôi là nhạc sĩ, Lan Anh đang là sinh viên khoa thanh nhạc của nhạc viện. Đương nhiên Lan Anh biết tôi và tôi cũng biết cô ấy. Chúng tôi gặp nhau duyên cớ tình cờ.

Tất cả tôi nghĩ do phần mềm của tạo hóa viết ra cho thân phận mỗi con người. Tôi phải gặp Lan Anh năm ấy và trở thành vợ chồng do sách trời đã định chứ tôi không bỏ công sức, thời gian tìm người yêu, tìm vợ cho mình. Cái gì đến sẽ đến, tôi gặp Lan Anh không phải tiếng sét ái tình mà là phầm mềm của lập trình rồi.

Có ca khúc nào được ông viết ra từ chính cuộc đời, cuộc tình của mình?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đương nhiên ca khúc phải từ cuộc đời tôi. Tôi không như một số nhạc sĩ họ có một cuộc tình, đôi khi là niềm vui buổi tối đi chơi với một cô gái rồi hưng phấn viết một bài hát. Như tâm sự, tôi không tin vào điều gì bất chợt.

Tôi viết tác phẩm là chưng cất toàn bộ quá khứ của mình. Ví dụ trong nhiều tác phẩm bài tình ca phải là anh yêu em, là bờ vai, đôi mắt,... tôi không nói trực tiếp những cái đó nhưng tình yêu vẫn dữ dội, thể hiện qua hai bài Chảy đi sông ơi và Trên đỉnh Phù Vân.

Mọi người nói Chảy đi sông ơi là bài hát hay, về thiên nhiên rộng dài nhưng thực ra đó là bài hát của một người thất tình, đau khổ vì tình đến mức định ra con sông tự vẫn. Nhưng từ triền đê chạy xuống, chính con sông đầy bao dung, độ lượng, bình thản "chuyện bao đời sông biết cả, mà sao vẫn trẻ mãi không già" đã cảm hóa được con người tưởng như tuyệt vọng đó.

Hotface, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Trên đỉnh Phù Vân cũng vậy, cũng là câu chuyện của sự thất bại đắng cay về tình yêu nhưng lên đến tận đỉnh núi, cửa thiền để tránh né, chối bỏ tình yêu nhưng lại ngặt nghèo, éo le đến nỗi phải bật lên tiếng kêu "đâu người ta yêu dấu". Đó là một bài hát nói về tình yêu đau khổ, trốn tránh tình yêu nhưng cũng là ca ngợi tình yêu...

Hai bài tình ca không cụ thể chuyện tình nào của tôi mà chưng cất cả một đời yêu đương. Khi viết bài hát về tình yêu đó là tất cả những trải nghiệm chứ không đơn giản chỉ một cuộc tình.

Nhạc sĩ Trần Tiến từng tếu táo rằng "tôi tử tế với người tình và chung tình với bà vợ". Ông thì sao?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đấy là suy nghĩ riêng của Trần Tiến. Tôi nghĩ về vấn đề tình yêu tất cả đều giống nhau. Tôi không phải từ trên trời rơi xuống nên cũng giống anh Trần Tiến và chắc nhiều người cũng giống anh ấy.

Hotface, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ về vợ và 3 người con.

Ông có ba người con, hai con gái - một con trai đang học nhạc bên Mỹ. Ông chia sẻ gì về những người con của mình?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Hai cô con gái đầu của tôi là Phó Vũ Thư hiện đang là giảng viên Trường Nghệ thuật Hà Nội. Còn Phó Lệ Chi làm ở Đài truyền hình Hà Nội. Hai cô con gái đã ổn định gia đình.

Cậu con trai út Phó Đức Hoàng đã tốt nghiệp Nhạc viện Boston bên Mỹ và đang học cao học ở Florida. Thực ra Phó Đức Hoàng tôi yên tâm vì cá tính của Hoàng ít nói, suốt thời gian dài đi học sáng tác cũng chỉ quan tâm đến khí nhạc, không quan tâm đến ca khúc.

Hoàng không quan tâm đến văn học, chuyện này tôi có chia sẻ với nhà văn Nguyễn Khắc Phục và ông ấy nói rằng tôi đừng băn khoăn bởi Hoàng có yêu văn học hay không không ảnh hưởng nhiều đến niềm đam mê cậu ấy theo đuổi bởi bản thân âm nhạc có tư duy tự thân của nó, không cần văn học hỗ trợ.

Hoàng đi theo con đường của mình, niềm vui, khó khăn như thế nào phải gánh chịu. Có thể cả đời Hoàng chỉ là người thắp nến trong ngôi đền âm nhạc mà mình lựa chọn, theo đuổi nhưng trong lòng mãn nguyện, thanh thản là được.

Cách đây mấy tháng Hoàng về Việt Nam và tham gia chương trình giao hưởng với tác phẩm Bong bóng được Dàn giao hưởng Việt Nam trình diễn 2 đêm ở Nhà hát Lớn nhận nhiều lời khen ngợi. Tôi hi vọng Hoàng sẽ đi trọn vẹn cuộc đời mình và có những tác phẩm cống hiến cho xã hội.

Hotface, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường
Nhạc sĩ Phó Đức Phương và con trai Phó Đức Hoàng.

Ông có hi vọng con trai trở về nước sinh sống và làm việc?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Cái đó tôi không biết vì đó là sự lựa chọn của Hoàng thôi. Nếu một người chỉ viết cho nhạc giao hưởng ở Việt Nam hơi khó khăn, tôi nghĩ rằng tốt hơn Hoàng vẫn nên tham gia viết giao hưởng như ở Mỹ chẳng hạn. Tôi hy vọng những tác phẩm đó được dàn nhạc giao hưởng Boston, Maiami, Tokyo sử dụng rồi một năm, hai năm đem những tác phẩm về dàn dựng ở Việt Nam cống hiến cho dàn nhạc giao hưởng Việt Nam hợp lý hơn, còn về sống hẳn sẽ khó khăn.

Như vậy, sự nổi tiếng và cái bóng của người cha không phải là bước đệm để các con ông tiến thân trong con đường nghệ thuật?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Tôi và các con cũng ý thức như vậy. Hoàng không núp vào bóng tôi. Tôi chỉ đóng góp cho con tạo ra bước đi ban đầu như con phải học nhạc viện, nếu con đi theo con đường giao hưởng phải học ở nước ngoài. Hoàng có đủ nghị lực, khả năng thực hiện mọi việc một cách đơn giản.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo VIETNAMNET

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm