Bởi trong một tuần, Trần Tiến bỗng có thêm một tên gọi là người viết văn với quyển sách Ngẫu hứng vừa ra mắt và trong tối 30-9, một đêm nhạc đủ đầy về Trần Tiến cũng vừa diễn ra tại Hà Nội.
Hình ảnh Trần Tiến ngồi ký tặng sách trước đêm nhạc In The Spotlight: Hà Trần hát Trần Tiến tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vào tối 30-9 vừa thấy quen quen vừa lạ lạ. Quen bởi cũng từng có vài nhạc sĩ vào quãng cuối đời viết những hồi ký, câu chuyện của mình và bán nó nhưng lạ bởi đó là Trần Tiến, một người vốn coi chuyện viết văn không phải là chuyện của mình.
Văn tôi được nói là sột soạt
Như chính lời nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ “cả đời tôi không viết sách nên với quyển Ngẫu hứng thì vụ này hơi lạ với tôi. Sách là những gì tôi viết cho anh Nguyễn Quang Lập khi Lập yêu cầu viết lý lịch trích ngang của mình. Mỗi ngày viết và đặt tên là Ngẫu hứng 1, 2, 3, 4… Và khi Lập nhận, anh bảo tôi là “văn đó anh Tiến ạ chứ không phải lý lịch trích ngang”. Tôi nghe bảo văn thì chỉ nói “văn đấy à!”. Còn anh Nguyễn Trọng Tạo thì kêu văn tôi sột soạt, sột soạt anh dùng chắc do tôi quen viết nhạc”.
Dẫu nhiều bạn văn gọi Ngẫu hứng là văn thì nhạc sĩ Trần Tiến vẫn mãi chẳng chịu nhận, dù đôi khi ông chẳng biết gọi quyển Ngẫu hứng là gì: “Tôi nghĩ nhà văn chân chính không bao giờ viết gì về chính mình mà phải tạo ra khu vườn bí mật mới, ở đó chính anh ta cũng đang phải khám phá. Nên Ngẫu hứng không phải là văn, không là tự truyện tản mạn hay gì cả, chỉ là những bức thư tôi gửi cho bạn tôi. Và tôi nghĩ nếu làm tiếp tôi còn nhiều chuyện để làm, chứ không đến mức phải viết chuyện yêu ai để mọi người đọc như đã hết thời”.
Gần 20 ca khúc từng bị cấm
Dường như cuộc đời Trần Tiến là chuỗi dài những ngẫu hứng bởi những gì ông định làm thường sẽ trục trặc, còn những gì ông để trôi vô định có khi lại có kết quả tốt hơn. Trong đêm nhạc 30-9, ca sĩ Trần Thu Hà (con gái NSND Trần Hiếu, cháu gọi nhạc sĩ Trần Tiến bằng chú) kể: “Chú tôi cũng muốn đi hát nhưng khi đó bố tôi đã là một ngôi sao nên chú đành phải viết nhạc để bây giờ chúng ta có nhạc sĩ Trần Tiến”.
Nhạc sĩ Trần Tiến cùng cháu gái - ca sĩ Trần Thu Hà trong đêm nhạc In The Spotlight: Hà Trần hát Trần Tiến tại Hà Nội vào tối 30-9. Ảnh: Tiến Trần
Câu chuyện trở thành nhạc sĩ của Trần Tiến thật mà như đùa và trong quãng đời âm nhạc của ông cũng lắm chuyện thật như đùa với xã hội. Ngay chính nhạc sĩ Trần Tiến cũng thừa nhận rằng: “Đời tôi ăn ở phần hậu vận. Tiền vận như con chó rách rưới, lang thang Hà Nội, trung vận thì hát đâu cấm đó, ai ngờ hậu vận lại được huân chương Lao động, giải thưởng nhà nước. Tôi nói vậy không phải trách gì ai mà vì số tôi nó khổ do tôi cầm đèn chạy trước ô tô”.
Một loạt sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến: Thành phố trẻ, Vết chân tròn trên cát, Điệp khúc tình yêu, Giai điệu tổ quốc tôi, Đôi mắt hình viên đạn, Mùa xuân gọi… đều bị cấm sau khi sáng tác. Thành phố trẻ có đoạn “Anh đi đâu về, dầu máy đầy tay, lưng trần gió bể, chung vài xị đế, nhậu cùng bạn bè” và bị cấm bởi… nhậu. Điệp khúc tình yêu bị cấm vì dám… hôn trong câu hát “Nhớ cái hôn đầu tiên anh chưa dành cho em”… “Chỉ 12 năm sau với 12 lần hôn trong ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ của bác Xuân Hồng được hát thì từ đó nhạc mới được phép… hôn” - nhạc sĩ Trần Tiến hài hước kể.
Trần Tiến có kích động bạo loạn?
Đó chỉ là vài trong gần 20 ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến từng có số phận đầy ngẫu hứng như cuộc đời người viết ra nó. Đêm nhạc tại Hà Nội vừa qua, khán giả còn có dịp nghe một số ca khúc có số phận long đong: Hà Nội buồn thương nhớ ơi, Rock đồng hồ… Trong đó, Rock đồng hồ chính là một trong những ca khúc từng làm ông bị rượt, trốn gần một tuần trong nhà một bà cụ ở kênh Nhiêu Lộc (TP.HCM) để chờ bạn đưa máy bay quân sự bay thẳng ra Hà Nội gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Ban Văn hóa Văn nghệ của Đảng. “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đó đã bảo “Trần Tiến không kích động bạo loạn mà kích động lòng yêu nước”” - nhạc sĩ Trần Tiến kể.
Dẫu những ngẫu hứng âm nhạc với Hà Nội, mẹ, chiến tranh… của Trần Tiến đã đi qua như tuổi trẻ của ông, nó chỉ còn lại trên ca khúc nhưng trong tuần qua một lần nữa tất cả lại được xới lại trên những trang viết từ Ngẫu hứng khá chua xót. “Tôi hiểu thêm, ngoài Tổ quốc còn có gia đình. Ngoài cách mạng còn có phụ nữ và tình yêu. Ngoài tập thể còn có những cá thể độc lập, không bao giờ để tự do của mình bị đánh mất” (Trần Tiến viết trong Ngẫu hứng).
Bây giờ đã vào tuổi thất thập, kể lại cho vui chuyện cuộc đời với hậu vận an nhàn nhưng tất cả với Trần Tiến dường như vẫn không thoát khỏi ngẫu hứng, bởi Trần Tiến cho rằng “viết chẳng để làm gì nhưng mà… sướng”. Ừ thì cuộc đời có khi thật là đáng sống bởi những ngẫu hứng.
Sài Gòn trong Trần Tiến Trần Tiến là cái tên gắn với Hà Nội hơn là Sài Gòn, thế rồi phần sau cuộc đời mình ông lại chọn một tỉnh miền Nam để sinh sống. Ít ai nghĩ Trần Tiến có thể viết gì về Sài Gòn nhưng bất chợt trong Ngẫu hứng có một ngẫu hứng tựa Sài Gòn trong tôi. Sài Gòn là nơi Trần Tiến có bạn bè như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, ca sĩ Sỹ Thanh, Thanh Lan… cả một người thiếu phụ ông yêu và hơn cả “Sài Gòn chẳng bao giờ hỏi tôi là ai, làm nghề gì. Cần là giúp, thích là mời vô nhậu, ghét sự trả ơn. Thấy đúng là chở che, như các bà mẹ chợ Bàn Cờ che giấu cách mạng. Thấy ghét, thì chính các chị lên phường, chỉ tay mắng người mình chở che làm điều thất đức với nhân dân. Thành phố của những người lao động năng nổ, làm thì hết mình, nhậu thì hết ga. Thẳng thắn, bộc trực, bất khuất như chiến binh Cần Giuộc. Thương nước, thương người như cụ Đồ Chiểu. Lãng mạn như câu hò ngàn năm với tiếng đàn kìm (đàn nguyệt), man mác buồn trên sông… Sài Gòn không mơ mộng như quê tôi, Hà Nội. Nhưng có gì đó tôi có thể ở đây mà không thấy cô đơn. Thậm chí đôi khi còn hạnh phúc” (trích Sài Gòn trong tôi trong tập Ngẫu hứng của Trần Tiến). |