Nhận diện chính sách về TQ của ông Fumio Kishida - thủ tướng kế tiếp của Nhật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nội bộ đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ngày 29-9, cựu Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật, thay thế ông Suga Yoshihide.

Chính sách của vị thủ tướng Nhật tiếp theo trong nhiều lĩnh vực chắc hẳn là chủ đề được dư luận quan tâm, trong đó có cách tiếp cận với Trung Quốc.

 Cựu Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida. Ảnh: UICHIRO KASAI

Trao đổi với tờ Nikkei Asia hồi đầu tháng 9, thời điểm ông Kishida đang là ứng cử viên trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch LDP, vị cựu ngoại trưởng Nhật khẳng định việc đối phó Trung Quốc sẽ là "ưu tiên hàng đầu" trong chính phủ của ông. 

Ông Kishida cũng bày tỏ "sự báo động sâu sắc" trước hành vi hung hăng của Bắc Kinh trên mặt trận ngoại giao và kinh tế.

Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia hôm 2-9, một ngày trước khi Thủ tướng Suga bày tỏ ý định từ chức, ông Kishida cho biết để bảo vệ "các giá trị cơ bản như tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền, chúng tôi sẽ làm việc với những nước có cùng giá trị như Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và Úc".

Nhấn mạnh khả năng tấn công căn cứ tên lửa của đối phương

Theo tờ báo, cuộc thảo luận với ông Kishida về chính sách an ninh và đối ngoại đã phản ánh hơn bốn năm rưỡi kinh nghiệm làm ngoại trưởng dưới thời chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.

Theo đó, an ninh kinh tế sẽ được đề cao trong chương trình nghị sự của ông Kishida. 

Trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh cạnh tranh để giành ưu thế về công nghệ, Nhật, Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc đang nỗ lực phối hợp nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng cho các mặt hàng quan trọng chiến lược như chất bán dẫn.

Trích dẫn ý tưởng về "quy chế kinh tế", ông Kishida lập luận rằng "chúng ta cần suy nghĩ về an ninh quốc gia từ nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ là vũ lực".

“Tôi sẽ bảo vệ các lợi ích địa chính trị của quốc gia chúng ta với trọng tâm là kinh tế" - ông Kishida cho hay.

Về quốc phòng, ông Kishida nhấn mạnh sự cần thiết về khả năng tấn công các căn cứ tên lửa của đối phương để ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng. 

“Ngay cả khi các hệ thống phòng thủ tên lửa ngăn chặn đợt tấn công đầu tiên, thì việc có khả năng tấn công các căn cứ của đối phương có thể bảo vệ tính mạng của người dân trong trường hợp đối phương tiến hành lần bắn thứ hai hoặc nhiều hơn” - ông Kishida cho hay.

“Công nghệ tên lửa đang phát triển nhanh chóng, và tôi muốn tổ chức một cuộc thảo luận kỹ lưỡng dựa trên thực tế đó về việc bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân" - ông Kishida nhấn mạnh.

Theo Nikkei Assia, ông Abe đã có ý định đưa ra quyết định về việc có được các khả năng tấn công như vậy vào cuối năm 2020, nhưng ông Suga sau đó đã hoãn cuộc thảo luận.

Đến nay, chính phủ Nhật vẫn giữ quan điểm rằng các cuộc tấn công như trên được cho phép theo hiến pháp hòa bình của Nhật nếu không có lựa chọn nào khác, nhưng có một quan điểm sâu xa trong giới học giả rằng điều này sẽ khác với chính sách an ninh chỉ dành cho phòng vệ của Nhật theo Điều 9 của Hiến pháp.

Cách tiếp cận về kinh tế

Theo Nikkei Asia, các kế hoạch kinh tế của ông Kishida tập trung vào một phiên bản hiện đại của "kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập" năm 1960, vốn đã giúp nước này phát triển thành một cường quốc kinh tế lớn.

Cựu Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida. Ảnh: BLOOMBERG

“Bất bình đẳng đã gia tăng hơn nữa vì đại dịch COVID-19" - ông Kishida cho hay, nói thêm rằng “khi nền kinh tế của chúng ta phát triển, chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn đến vấn đề bất bình đẳng và phân phối của cải”.

Ông Kishida nhấn mạnh "việc tăng thu nhập của người lao động và mức thưởng" cần được ưu tiên hàng đầu.

Nhận thấy gánh nặng chi phí giáo dục lên các hộ gia đình, ông Kishida kêu gọi đưa ra một hệ thống như "Chương trình đóng góp cho giáo dục đại học" của Úc, với việc trả nợ dựa trên thu nhập sau khi tốt nghiệp.

Ông Kishida khẳng định rằng ông sẽ "đi đúng hướng" với mục tiêu của chính quyền ông Suga là đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. 

Để đạt được mục tiêu này, ông Kishida lập luận "chúng ta cần đánh giá thực tế" liệu có nên xây dựng, mở rộng hay thay thế các nhà máy điện hạt nhân hay không. 

“Đây là một bài kiểm tra trách nhiệm chính trị của chúng tôi" - ông cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm