Nhân viên các siêu thị ở TP.HCM được ra đường sau 18 giờ hàng ngày

Ngày 9-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản khẩn về thời gian lưu thông của nhân viên các hệ thống phân phối hiện đại.

ra-duong-sau-18g

Lực lượng chức năng kiểm tra người dân ra đường sau 18 giờ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cụ thể, UBND TP.HCM chấp thuận với đề xuất của Sở Công Thương TP về việc cho một số nhân viên của các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm say.

Việc này nhằm để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.

UBND TP giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xác nhận danh sách nhân viên được phân công, giao nhiệm vụ. Đồng thời các cơ quan, đơn vị tích hợp danh sách vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương để phục vụ công tác quản lý và truy suất, kiểm tra của các lực lượng chức năng.

Theo đó, căn cứ vào danh sách được Sở Công Thương xác nhận, giám đốc các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi sẽ cấp Thẻ công tác/Giấy xác nhận công tác cho các nhân viên này được lưu thông trên đường từ sau 18 giờ.

UBND TP giao Công an TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các chốt, trạm phối hợp hỗ trợ, đảm bảo việc lưu thông cho các nhân viên này theo danh sách.

Trước đó, vào ngày 26-7, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn số 2490 yêu cầu mọi người dân trên địa bàn TP hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ (hằng ngày); trừ các trường hợp sau:

- Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TP.HCM, bao gồm cả công tác phát hành báo.

- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.

- Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của TP.HCM. 

Sau đó, đến ngày 2-8, UBND TP.HCM cho phép dịch vụ vận chuyển bưu chính được phép hoạt động và di chuyển trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ hàng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm