Trên thực tế, nhu cầu việc làm ngành kinh doanh, bán hàng vẫn luôn tăng trưởng đều từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, số lượng việc làm ngành này tăng đột biến 54% vào quý III so với quý I. Quý II so với quý I chỉ tăng 24%.
Có thể thấy kinh doanh/bán hàng luôn là ngành có nhu cầu cao trên thị trường, không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn tương tự ở các nước khác trong khu vực. Báo cáo lương năm 2015 của JobStreet.com cho thấy ngành kinh doanh/bán hàng là một trong 10 ngành được trả lương cao nhất tại Việt Nam.
Cụ thể tại vị trí nhân viên (1-4 năm kinh nghiệm), vị trí nhân viên kinh doanh được xếp hạng 7 trong danh sách với mức lương trung bình là 17,8 triệu đồng. Trong khi vị trí nhân sự cấp trung, trưởng nhóm, giám sát lại nhận được mức lương vào khoảng 20 triệu đồng, xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng. Đặc biệt, tại cấp quản lý, ngành kinh doanh/bán hàng chỉ xếp thứ hai, sau vị trí kỹ thuật về mức lương, đạt mức 30,9 triệu đồng.
Về khía cạnh tuyển dụng, mặc dù thị trường chưa phải đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung ứng viên ngành kinh doanh/bán hàng; tuy nhiên khi cầu tăng mạnh mà cung không kịp tăng để đáp ứng cầu, ngành này trở thành ngành khó tuyển, đặc biệt khi tỉ lệ nhảy việc trong ngành cao khiến nhu cầu tuyển dụng luôn có tại các vị trí nhân viên kinh doanh.
Một khảo sát của JobStreet được thực hiện trong tháng 10-2015 đối với 256 ứng viên trong ngành cho thấy các nhân viên ngành kinh doanh/bán hàng thừa nhận rằng họ luôn chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn.
Do đó, để thu hút được ứng viên ngành kinh doanh/bán hàng, nhà tuyển dụng nên cung cấp nhiều thông tin về công ty như môi trường làm việc, tình trạng tài chính của công ty cũng như thông tin mức lương mà hầu hết ứng viên đều mong muốn được biết.